Phê duyệt Khung hỗ trợ, tái định cư Dự án đường kết nối Ba Bể sang Na Hang

Tuyến đường kết nối Ba Bể-Na Hang sẽ thúc đẩy phát triển du lịch cho hồ Ba Bể và Na Hang, nhất là khi Tuyên Quang và Bắc Kạn đang xây dựng hồ sơ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ba Bể-Na Hang trình UNESCO.

Cán bộ Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Ba Bể tiến hành thống kê, kiểm đếm đất đai, tài sản của người dân trong diện g giải phóng mặt bằng tại xã Quảng Khê. (Nguồn: báo Bắc Kạn)

Ngày 19/3, tại Công văn số 180/TTg-CN, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn-Hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang của Tuyên Quang.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung khung chính sách.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh: Bắc Kạn, Tuyên Quang chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện khung chính sách đã được phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

Đoạn đường từ huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn kết nối sang huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang có tổng chiều dài khoảng 40km. Đây là đoạn tiếp nối đoạn tuyến từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể thuộc Dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang), được khởi công từ tháng 2/2022 do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bắc Kạn là chủ đầu tư.

Tuyến đường này khi kết nối với Na Hang sẽ tạo đà thúc đẩy phát triển du lịch cho hồ Ba Bể và Na Hang, nhất là khi Tuyên Quang và Bắc Kạn đang nỗ lực phối hợp xây dựng hồ sơ khoa học Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ba Bể-Na Hang trình UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Na Hang - cái tên còn khá xa lạ với nhiều người, nhưng đó là một địa danh du lịch với vẻ đẹp tiềm ẩn nơi núi rừng Tuyên Quang; nơi được ví như “Hạ Long trên cạn.”

Còn Hồ Ba Bể là một điểm du lịch sinh thái lý tưởng với phong cảnh kỳ thú và sự đa dạng sinh học. Sẽ thật tuyệt vời khi kết hợp hai địa điểm này lại thành một cung đường với sông-núi-rừng-thiên nhiên hữu tình.

Du lịch trên hồ Ba Bể. (Ảnh : Hữu Oai/TTXVN)

Nằm cách trung tâm thị trấn Na Hang hơn 7km, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Na Hang có diện tích trên 33.000ha nằm trên địa bàn xã Thanh Tương, Sơn Phú, Khâu Tinh, Côn Lôn và thị trấn Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) giáp với tỉnh Bắc Kạn, là nơi bảo tồn được gần như nguyên vẹn các giá trị đa dạng sinh học của rừng Tuyên Quang.

Hiện nay, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Na Hang có khoảng 68% diện tích là rừng ẩm nhiệt đới vẫn còn ở tình trạng nguyên sinh. Nơi đây cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, có độ đa dạng sinh học cao và hiện còn lưu giữ được trên 2.000 loài thực vật, nhiều loại được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam như trai, nghiến, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, nhiều loài lan hài, cây thuốc quý. Đặc biệt là hàng trăm cây nghiến có đường kính từ 2-3m sừng sững ôm lấy những khối đá vôi.

Khu bảo tồn cũng bước đầu ghi nhận được 88 loài thú (trong đó có nhiều loài động vật được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới): 294 loài chim, 30 loài bò sát và 18 loài lưỡng cư, 300 loài bướm, 40 loài dơi, hàng nghìn loại cá, trong đó có cá Dầm xanh, Anh Vũ.

Hồ Ba Bể là một trong số không nhiều hồ nước ngọt tự nhiên lớn và đẹp của thế giới trên các vùng núi. Hồ được hình thành từ khoảng 10.000 năm trước, với lịch sử địa chất lâu dài và cấu trúc địa chất độc đáo.

Gọi là Ba Bể do hồ được tạo bởi ba nhánh sông lớn hợp lưu mà thành. Đó là ba nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng (tiếng Tày, pé là hồ). Đây là hồ có kiến tạo lớn nhất miền Bắc nước ta, nằm giữa vùng đá phiến và đá vôi ở độ cao 145m, hồ Ba Bể dài hơn 8km, rộng 3km, sâu khoảng 20-30m và có nhiều hang động, suối ngầm.

Toàn cảnh hồ như một bức tranh thủy mặc, làm say lòng những du khách tới nơi đây. Trong hồ có tới 50 loại cá, trong đó có rất nhiều loại cá quý hiếm như cá cóc Ba Bể, cá chiên ở thác Ðầu Ðẳng, cá chép kình, cá Dầm Xanh...

Từ Pé Lèng xuôi khoảng 800m, dòng sông Năng xuyên qua khối núi đá vôi Lũng Nham tạo ra động Puông dài 300m, cao hơn 30m với nhiều nhũ đá muôn hình vạn trạng, huyền ảo và lung linh.

Xung quanh hồ Ba Bể có khoảng 1.268 loài thực vật bậc cao có mạch, 470 loài động vật có xương sống, trong đó, có 81 loài thú, 234 loài chim, 30 loài bò sát, 18 loài lưỡng cư và 107 loài cá. Theo đánh giá của các nhà khoa học, trong khu vực Ba Bể có ít nhất 367 loài bướm và nhiều loại động vật không xương khác./.