Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người
Việc triển khai Đề án "Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân" góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người.
Chiều 19/3, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Ban Điều hành Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” (Đề án).
Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng chủ trì hội nghị.
Báo cáo Công tác thực hiện Đề án, Giáo sư-tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng ban điều hành Đề án cho biết việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025” là sự kiện chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng nhằm thực hiện Chỉ thị 44-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người; đồng thời thực hiện cam kết, trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về giáo dục quyền con người.
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
Đến nay, việc triển khai thực hiện Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người; trang bị kiến thức, kỹ năng về quyền con người cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác thực tiễn của các ban, bộ, ngành, địa phương tham gia vào các hoạt động của Đề án, đặc biệt là cho đội ngũ giáo viên, giảng viên và người học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân và một số lĩnh vực khác.
Các cơ quan tham gia Đề án đã hoàn thành một khối lượng lớn nhiệm vụ thông qua nhiều nội dung hoạt động khác nhau. Việc triển khai thực hiện Đề án thời gian qua đã thu hút được sự chú ý của các cơ quan truyền thông, báo chí và công chúng.
Hoạt động của Đề án đã được đưa vào báo cáo về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam như Báo cáo Rà soát định kỳ phổ quát cũng như trong các cuộc đối thoại về quyền con người giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế và quốc gia khác, góp phần tích cực vào công tác đối thoại về quyền con người giữa Chính phủ Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế...
Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh Đề án cần có sự thống nhất trong cách tiếp cận triển khai của các cơ quan tham gia và lưu ý, còn 2 năm nữa để thực hiện Đề án.
Các cơ quan liên quan cần có sự phối hợp công tác chặt chẽ, có kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong triển khai.
Việc xây dựng nội dung chương trình, tài liệu cần phân biệt rõ đào tạo, bồi dưỡng về quyền con người trong các trường chuyên ngành về luật với giáo dục phổ thông cũng như lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, giáo dục quyền con người phải là một việc làm thường xuyên, có cập nhật, bổ sung kiến thức. Trong bối cảnh mới, nhận thức mới, tư duy lý luận về vấn đề quyền con người cũng ngày càng phải được hoàn thiện, nâng cao. Trên cơ sở đó, việc xây dựng chương trình đào tạo, nội dung lồng ghép cần phải được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng gắn với thực hành, công việc cụ thể của từng nhóm đối tượng giáo dục.
Đánh giá cao sự phối hợp, nỗ lực triển khai nhiệm vụ được giao của các cơ quan liên quan tham gia Ban Điều hành Đề án, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, việc triển khai Đề án là bước quan trọng, cần thiết để hệ thống hóa kiến thức phổ quát về quyền con người mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế, góp phần nội luật hóa các quyền con người của Việt Nam.
Nhấn mạnh việc đưa giáo dục quyền con người vào hệ thống quốc dân là một nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước, qua đó đảm bảo quyền con người cho tất cả nhóm người trong xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân cần hướng tới hình thành văn hóa tôn trọng pháp luật cũng như giúp mỗi người dân Việt Nam nhận thức được quyền và trách nhiệm của bản thân đối với đất nước, xã hội; đồng thời làm rõ bản chất chế độ chính trị và những chủ trương, chính sách bảo vệ quyền con người của của Việt Nam với quốc tế.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật việc thực hiện quyền con người được nêu trong các hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; nghiên cứu xây dựng cuốn cẩm nang về quyền con người để các nhà quản lý, làm chính sách tra cứu, đối chiếu trong xây dựng, thực thi chính sách./.