Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt chùa Thầy
Lễ đón nhận Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia cho lễ hội truyền thống chùa Thầy sẽ góp phần phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt chùa Thầy ở huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Lễ đón nhận Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia cho lễ truyền thống chùa Thầy và khai hội chùa Thầy; khai mạc Tuần lễ văn hóa Du lịch huyện Quốc Oai (Hà Nội) năm 2024 sẽ diễn ra tối 12/4/2024.
Theo Ban tổ chức, trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra màn trình diễn Drone light các biểu tượng ảnh đặc trưng của quê hương Quốc Oai, như bản đồ huyện Quốc Oai; hình ảnh thủy đình với núi non đẹp lung linh; các hình ảnh đặc trưng của các di sản văn hóa ở Quốc Oai...
Đây là lần đầu tiên tại khu vực ngoại thành Hà Nội, khán giả sẽ được thưởng thức màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật Drone light – trình diễn flycam kết hợp ánh sáng của 200 chiếc máy bay không người lái.
Cũng tại chương trình này, người dân và du khách còn được thưởng thức chương trình nghệ thuật “Quốc Oai - Khơi dòng di sản” với nhiều tiết mục nghệ thuật đắc sắc, như hát tuồng, hát chèo, biểu diễn cồng chiêng, múa rối… Bằng cách sử dụng khéo léo, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại và mang ý lan tỏa, sẽ mang đến cho khán giả những cảm xúc vừa quen, vừa lạ và bất ngờ.
Lễ đón nhận Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia và khai hội chùa Thầy; khai mạc Tuần lễ văn hóa du lịch huyện Quốc Oai năm 2024 tại khu du lịch Chùa Thầy là một chuỗi sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của huyện Quốc Oai, diễn ra từ ngày 12-16/4
Trong thời gian diễn ra lễ hội chùa Thầy, người dân và du khách còn được thưởng thức các nghi lễ truyền thống đặc sắc, như: lễ tế khai hội, lễ mộc dục, lễ phục nghinh bài vị, lễ cúng yên vị khai hội và rước lễ của các thôn trong xã Sài Sơn lên chùa Cả.
Cũng dịp này, Ủy ban Nhân dân huyện Quốc Oai còn tổ chức Tuần lễ Văn hóa Du lịch, Xúc tiến thương mại huyện Quốc Oai năm 2024. Tại khu vực chùa Thầy, Ban tổ chức bố trí 150 gian hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, ẩm thực, sản phẩm làng nghề, OCOP để khách thập phương đến tham quan, mua hàng.
Ngoài ra, Ban tổ chức lễ hội còn phối hợp với Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, vui chơi trải nghiệm, các trò chơi dân gian đánh đu, đấu vật, thưởng thức ẩm thực, xem trình diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”…
Các hoạt động này nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của huyện Quốc Oai. Đồng thời, từng bước khai thác tiềm năng và giá trị văn hóa nghệ thuật của quần thể Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt chùa Thầy theo hướng phát triển du lịch văn hóa lịch sử; tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch huyện Quốc Oai là điểm đến “An toàn-thân thiện-chất lượng-hấp dẫn.”
Chùa Thầy là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Việt Nam nằm trong Di tích Quốc gia Đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách (huyện Quốc Oai) đã được xếp hạng tại Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Chùa Thầy (tức chùa Cả) có tên chữ là Thiên Phúc Tự. Theo các tài liệu ghi lại, ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ (gọi là Hương Hải am), xây dựng từ trước thời Lý. Đến khi Lý Nhân Tông (1072-1127) lên ngôi Vua đã cho xây dựng lại.
Quần thể di tích và danh thắng chùa Thầy nổi tiếng với nhiều điểm tham quan, nhưng giá trị kiến trúc nổi bật nhất nằm ở 3 tòa của chùa Thầy với những dấu ấn đặc trưng của kiến trúc thế kỷ XVII.
Chùa Thầy là nơi gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, người có những đóng góp to lớn cho nhân dân, là ông tổ của bộ môn múa rối nước. Ông đã tu hành ở đây rồi hóa thánh tại một hang đá trên núi Thầy có tên gọi là hang Thánh Hóa.
Trải qua 7 lần trùng tu lớn, đến nay chùa Thầy vẫn giữ được không gian cổ kính và kiến trúc độc đáo ở Xứ Đoài.
Không chỉ là danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong và ngoài nước, chùa Thầy còn là địa chỉ đỏ cách mạng của cả nước. Đây cũng là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sơn Tây (cũ), cũng là địa danh được nhiều lần đón Bác Hồ về ở và làm việc trước khi Người lên chiến khu Việt Bắc chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngày 5/1/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 04/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia Đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 98,30ha, bao gồm khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích và vùng đệm, nằm trên địa bàn xã Sài Sơn, xã Phượng Cách, xã Yên Sơn và thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn, gìn giữ lâu dài các giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, khoa học, địa chất, địa mạo của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách; phát huy và khai thác có hiệu quả các giá trị của di tích, hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nguồn thu cho địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nguồn lực để bảo tồn di tích.
Đồng thời, xác định ranh giới bảo vệ, làm cơ sở quản lý và cắm mốc giới di tích; xác định các khu chức năng, khu dân cư bảo tồn, khu vực bảo vệ cảnh quan, môi trường. Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và bố trí hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Nhiệm vụ lập quy hoạch cũng là cơ sở pháp lý cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thu hút nguồn lực đầu tư và triển khai các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích theo quy hoạch được duyệt. Xây dựng quy định về quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực di tích và các giải pháp quản lý, bảo vệ di tích theo quy hoạch./.