'Thư cho em': Chuyện tình thời chiến và lời hẹn 'Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới'

Cuốn sách "Thư cho em" được viết ra không chỉ để lưu giữ ký ức của tác giả và gia đình, mà còn để chia sẻ với các bạn trẻ hôm nay về tình yêu của một thời đại anh hùng và lãng mạn.

Tác giả Hoàng Nam Tiến ký tặng sách cho độc giả tại Hội sách Nhã Nam (Hà Nội) ngày 9/4. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Ba tôi là Thiếu tướng Hoàng Đan, mẹ tôi là Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An Vinh. Họ thành vợ chồng vào một ngày mùa Thu năm 1954, sau khi ba đạp xe hơn ngàn cây số tìm cho được người mình yêu cưới làm vợ.”

Đó là cách tác giả Hoàng Nam Tiến mở đầu câu chuyện tình yêu trong thời chiến của ba mẹ mình trong cuốn sách “Thư cho em.”

Câu chuyện được kể lại qua hơn 400 lá thư tay vội vã trong suốt hơn 40 năm của Thiếu tướng Hoàng Đan và bà An Vinh. Câu chuyện hiện lên với đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc của hai người yêu xa: Nhớ thương, giận hờn nhưng hơn cả là sự thấu hiểu và mạnh mẽ, về cách đối thoại thông minh lý trí mà vẫn vô cùng tình cảm để làm yên lòng nhau, cùng nuôi dạy con cái và giữ lửa hôn nhân.

“Thư cho em” không chỉ là ký ức lãng mạn của riêng hai người, mà đại diện cho tình yêu của rất nhiều lứa đôi trong những tháng năm khói lửa của đất nước, dù yêu nhau nhưng vẫn đặt Tổ quốc lên trên tất cả. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Độc giả không chỉ cảm nhận được tình yêu lứa đôi, lòng yêu nước và lý tưởng sống cao đẹp, mà còn được sống lại những thời khắc quan trọng của lịch sử dân tộc, qua đó nhận thức về vai trò của bản thân ở hiện tại, học tập tinh thần không ngừng phấn đấu mỗi ngày để cống hiến hết mình.

Tác giả Hoàng Nam Tiến viết: “Nghĩ về ba mẹ, tôi không khỏi ngậm ngùi. Lịch sử dữ dội và khốc liệt, những trận chiến làm chúng ta hy sinh quá nhiều về sức người sức của. Nhưng có những hy sinh mất mát diễn ra âm thầm hơn mà không kém phần xót xa, là tuổi trẻ, là gia đình hạnh phúc, là cơ hội sống bên nhau quãng thời gian đẹp nhất.”

Mạch kể của “Thư cho em” đi theo dòng lịch sử giữ nước của dân tộc, từ “Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới” đến “Hương gây mùi nhớ,” rồi “Thư cho em giữa hai bên súng địch ta vẫn nổ” và kết thúc bằng “Về đây bên nhau.”

Tác giả Hoàng Nam Tiến lưu trữ cẩn thận các thư từ, kỷ vật của ba mẹ mình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, tác giả không kể về các trận đánh, mà kể về hành trình của tình yêu, những cánh thư bay giữa đạn bom, cuộc hẹn hò giữa chiến trường, cách Thiếu tướng Hoàng Đan và bà An Vinh sắp xếp cuộc sống và yêu nhau...

Ví dụ như hành trình cưới vợ độc đáo của ông Hoàng Đan. Hứa hôn xong là ông đi biệt, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ mới có thời gian về quê cưới vợ. Nhưng thời chiến tin tức không thông, người vợ chưa cưới cũng đi từ nơi này đến nơi khác. Thành ra ông phải đạp xe từ Điện Biên về Nghệ An, từ Nghệ An đi Thái Nguyên, từ Thái Nguyên đạp lên Lạng Sơn rồi mới tìm được vợ để cưới. Tổng quãng đường chừng 1.300 cây số. Trong điều kiện chiến tranh và đường sá khó khăn năm 1954, quãng đường đó có thể khiến các “phượt thủ” ngày nay ngưỡng mộ.

Hay như một lá thư gửi sang Moskva, bà An Vinh viết “Hai chúng ta (… ) vẫn viết thư đều cho nhau và vẫn yêu nhau nhiều phải không anh nhỉ!”

Giữa những đoạn thư thương nhớ nhau, độc giả bắt gặp những chi tiết đời thường vô cùng chân thực: “Bên này có hai loại xà phòng giặt, một thứ 2 hào một thứ 3 hào, giặt thì cũng như nhau nhưng có cái đắt hơn vì nó có thêm một vài thứ vào cho mùi dễ chịu hơn, anh thì chỉ xài thứ 2 hào thôi, một tháng đỡ được 1 hào,” ông Hoàng Đan viết thư gửi vợ.

Nhân dịp ra mắt cuốn sách “Thư cho em” - chuyện tình tướng Hoàng Đan và vợ qua lời kể con trai, Công ty Nhã Nam tổ chức buổi giới thiệu sách vào 14h30 ngày 13/4 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Chương trình có sự tham gia của tác giả Hoàng Nam Tiến, Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy và Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu./.