Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Công tác nhân sự phải đúng, trúng
Điều Tổng Bí thư quan tâm nhất là không được bỏ sót, bỏ lọt người có tài, có đức và kiên quyết không đưa những người không đủ tiêu chuẩn vào đại hội các cấp nhiệm kỳ tới.
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV vừa qua đã thu hút sự quan tâm theo dõi của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bài phát biểu thể hiện rõ trách nhiệm người đứng đầu của Đảng đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đặc biệt đối với công tác cán bộ có kế thừa tư tưởng và quan điểm về công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “cán bộ là gốc của mọi công việc," “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém."
Tăng niềm tin của đảng viên, nhân dân vào Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Đại hội XIV của Đảng là một sự kiện chính trị rất quan trọng. Đại hội được tiến hành vào thời điểm đất nước ta trải qua 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991), trong đó có gần 15 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển 2011) và 5 năm thực hiện Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội 2021-2030, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng vào năm 2030 và kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước vào năm 2045.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Hiếu Nghĩa, đây là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của Đảng ta sau này. Bởi vì đây là kỳ đại hội được xem là thời điểm chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau.
Ông Nguyễn Hiếu Nghĩa cho rằng trong bài phát biểu này, Tổng Bí thư đánh giá cao đội ngũ cán bộ trong thời gian qua về bản lĩnh chính trị, lập trường, quan điểm, sự cống hiến của cán bộ; đề cao nhiều cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm đối với đội ngũ cán bộ chiến lược nói chung, về những biểu hiện suy thoái về chính trị, đạo đức lối sống vẫn còn, đặc biệt là tình trạng chạy chức, chạy quyền… vi phạm về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương.
Điều Tổng Bí thư quan tâm nhất là không được bỏ sót, bỏ lọt người có tài, có đức và kiên quyết không đưa những người không đủ tiêu chuẩn vào đại hội các cấp nhiệm kỳ tới. Mục tiêu cuối cùng là vì sự tồn tại và phát triển của Đảng để hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, để đất nước được phồn vinh, phát triển, để sánh vai với các cường quốc và để nhân dân có cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn, củng cố vững chắc niềm tin của đảng viên, nhân dân vào Đảng.
Bài phát biểu cũng đã thể hiện rõ, đầy đủ, định hướng rõ ràng, giúp cho cơ sở có định hướng làm công tác nhân sự chuẩn bị cho đại hội tới tốt hơn.
Không được bỏ sót cán bộ có đức có tài
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Hiếu Nghĩa cho biết trong thời gian tới, nội dung bài phát biểu của Tổng Bí thư sẽ được tỉnh Vĩnh Long quán triệt tới toàn đảng viên trong toàn đảng bộ để tất cả đảng viên thống nhất từ nhận thức đến hành động, từ đó thực hiện trong lựa chọn cán bộ cho đại hội Đảng các cấp.
Đặc biệt, với những người làm công tác tổ chức cán bộ, càng phải quán triệt “sâu, kỹ, chắc” nội dung này, làm cơ sở tham mưu cho tập thể lãnh đạo về công tác nhân sự nhiệm kỳ tới “đúng, trúng” trên tinh thần công tâm, khách quan, minh bạch.
Theo ông Nguyễn Hiếu Nghĩa, để làm được điều đó, những người làm công tác cán bộ phải bám sát vào các văn bản quy định của Đảng về công tác tổ chức cán bộ, công tác nhân sự; chú ý về cơ cấu, tỷ lệ… Hiện, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các quyết định thành lập Ban chỉ đạo phục vụ cho đại hội các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; xây dựng kế hoạch tiến hành kiểm tra các địa phương để rà soát, bổ sung quy hoạch những vấn đề liên quan đến công tác nhân sự.
Theo kế hoạch, từ quý 1/2025, trên địa bàn tỉnh bắt đầu tiến hành đại hội đảng bộ cấp cơ sở; cấp huyện vào quý 2 và cấp tỉnh vào cuối quý 3. Đến hiện tại, mọi công tác tổ chức chuẩn bị đảm bảo theo tiến độ, lộ trình, thời gian.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long Lê Hồng Đào thông tin đến ngày 30/3/2024, tỉnh đã có 107/107 xã, phường, thị trấn thuộc 8 đơn vị cấp huyện tổ chức thành công Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đạt 100%. Hiện nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện đang thông qua cấp ủy phê duyệt văn kiện, nhân sự để cấp ủy cho chủ trương thực hiện các bước tiếp theo.
Trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiếp tục hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện hoàn chỉnh văn kiện, Đề án nhân sự theo chủ trương của cấp ủy cùng cấp trình Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh duyệt, thống nhất văn kiện, nhân sự để tổ chức đại hội.
Theo kế hoạch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Bình Minh sẽ tổ chức đại hội điểm rút kinh nghiệm đối với cấp huyện vào ngày 22 - 23/4/2024. Các đơn vị cấp huyện còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 5/2024. Đối với cấp tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã thực hiện các bước, quy trình chuẩn bị văn kiện, nhân sự theo đúng kế hoạch để tổ chức Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 vào tháng 7/2024 đảm bảo đúng theo tinh thần Chỉ thị số 19-CT/TU, ngày 17/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long.
Bà Lê Hồng Đào nhấn mạnh vận dụng những quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư về công tác nhân sự vào Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh bám sát tinh thần Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội Đại biểu Toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 và Chỉ thị số 19-CT/TU, ngày 17/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhiệm kỳ 2024-2029.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh cần làm tốt công tác phát hiện, giới thiệu người có năng lực, uy tín, tâm huyết, trách nhiệm cao làm công tác Mặt trận và đảm bảo tiêu chuẩn đó là: Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh có tinh thần yêu nước, trung thành với Tổ quốc, tán thành mục tiêu tương đồng là xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc; thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tán thành Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải có khả năng tập hợp, đoàn kết nhân dân; tích cực tham gia thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, các chương trình công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì; đảm bảo sức khỏe, có kiến thức và khả năng đóng góp ý kiến với cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, quản lý; có uy tín, tiêu biểu, đại diện cho một giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, một lĩnh vực, ngành nghề hoặc đại diện cho người Việt Nam ở nước ngoài...
Riêng đối với cán bộ chuyên trách Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh cần nhấn mạnh thêm các tiêu chuẩn: có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng; có uy tín, tâm huyết, trách nhiệm cao với công tác Mặt trận; nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám chịu trách nhiệm; quyết liệt trong hành động và tận tụy với công việc; có năng lực cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Hiếu Nghĩa nhấn mạnh bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện sự sâu sắc, trách nhiệm của người đứng đầu của Đảng; mong muốn, gửi gắm làm sao chọn được cán bộ có đức có tài và không được bỏ sót; xây dựng tập thể phải “mạnh," là cái “cốt” tốt để vận hành bộ máy.
Nếu làm tốt thì địa phương phát triển, Trung ương phát triển, từ đó chăm lo cho cuộc sống của người dân tốt hơn, củng cố vững chắc niềm tin của người dân vào Đảng./.