Hội thảo bàn tròn về ngôn ngữ trong hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và Nga
Hội nghị nhằm chia sẻ những kinh nghiệm và khó khăn thực tế liên quan đến ngôn ngữ và phiên dịch giữa ba thế hệ nhà ngoại giao đương nhiệm, cựu trào và tương lai.
Ngày 30/3 tại Đại học quan hệ quốc tế (MGIMO) thuộc Bộ Ngoại giao Nga đã diễn ra hội thảo bàn tròn "Quan hệ Nga-Việt: Kinh nghiệm hoạt động ngoại giao," nhằm chia sẻ những kinh nghiệm và khó khăn thực tế liên quan đến ngôn ngữ và phiên dịch giữa ba thế hệ nhà ngoại giao đương nhiệm, cựu trào và tương lai.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, hội nghị được kết nối với đầu cầu Đại sứ quán Liên bang Nga tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Nga tại Đà Nẵng.
Qua những ý kiến của chuyên gia tại hội nghị, Việt Nam được mô tả như một đất nước đa văn hóa, đa sắc tộc, có thiên nhiên đa dạng và rất đẹp, nơi ghi nhận sâu sắc những sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô trước đây và chuyên gia Nga sau này trong lĩnh vực quân sự, xây dựng, năng lượng.
Cho đến nay, quan hệ song phương vẫn phát triển rất tốt đẹp ở lĩnh vực chính trị, tuy nhiên hợp tác kinh tế lại chưa xứng tầm, gắn liền với nó là những cơ hội nghề nghiệp. Đây cũng là băn khoăn của các em sinh viên học tiếng Việt tại Nga, những người đang chọn tiếng Việt làm nghề nghiệp tương lai.
Tham tán Vụ châu Á 3 Bộ Ngoại giao Nga Ivan Nesterov điểm lại những dấu mốc quan trọng gần đây trong quan hệ Nga-Việt.
Bản thân là người học tiếng Việt và chọn ngành Việt Nam học ông chia sẻ những khó khăn đặc biệt khi mới bắt đầu học thứ ngôn ngữ châu Á có rất ít tương đồng với tiếng Nga.
Trước những băn khoăn về cơ hội nghề nghiệp của các sinh viên, đại diện Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Việt Nam là một định hướng phát triển quan trọng trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga, song thời gian gần đây hợp tác đang có khó khăn nhất định liên quan đến tình hình mới.
Tuy nhiên ông chỉ ra những tín hiệu tích cực như nối lại đường bay thẳng Moskva-Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 1/2024 và ngay lập tức dòng khách du lịch giữa hai nước đã tăng 10%.
Theo ông du lịch và dầu khí là hai lĩnh vực rất tích cực ở góc độ việc làm. Đại diện lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Tham tán Đoàn Khắc Hoàng cũng nhất trí với những đánh giá tích cực về triển vọng trong tương lai gần cho những người chọn Việt Nam làm lĩnh vực nghiên cứu và làm việc.
Từ góc độ kinh nghiệm thực tế địa bàn, từ đầu cầu Đà Nẵng, Tổng lãnh sự Nga Maria Mizonova khẳng định độ khó của tiếng Việt và cho biết đây cũng là lý do khiến việc tuyển dụng nhân sự cho cơ quan đại diện tại Đà Nẵng không dễ dàng.
Chia sẻ nhiều câu chuyện từ công việc tại Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam, bà Mizonova lưu ý đến những khác biệt không chỉ trong phương ngữ ba miền ở Việt Nam, mà còn ở tính cách và thói quen giao tiếp của con người ở những vùng đất khác nhau. Qua tiếng Việt cần học văn hóa và nghiên cứu con người Việt Nam, đó là lưu ý của nhà ngoại giao đương nhiệm dành cho các hậu bối.
Từ đầu cầu Hà Nội, tham tán công sứ Ekaterina Bakeeva, người cũng trưởng thành từ cái nôi Khoa tiếng Việt của MGIMO, khẳng định chính sự đa dạng của các miền đất nước Việt Nam là thách thức trong học tập, nghiên cứu khi còn trong nhà trường nhưng sẽ là sức hấp dẫn khi ra nghề ngoại giao.
Tham luận từ một nhà ngoại giao, nhà phiên dịch kỳ cựu Petr Tsvetov về khả năng của AI trong phiên dịch cũng rất được chú ý.
Không thể phủ nhận những hữu dụng của dịch máy, song nhà phiên dịch tên tuổi khẳng định để có một kết quả dịch chuẩn xác thì sự lựa chọn cuối cùng phải do con người đưa ra.
Cuộc trao đổi giữa các thế hệ ngoại giao Nga chuyên ngành Việt Nam học diễn ra sôi nổi và thực chất.
Các câu hỏi từ phía sinh viên thể hiện mối quan tâm đến thời cuộc và tình hình quốc tế cũng như quan hệ Nga-Việt và được giải đáp bằng những kinh nghiệm, bài học rút ra từ thực tế của những người đi trước.
Hoạt động vừa mang tính chất trao đổi chuyên môn, vừa mang tính chất giải đáp chính sách một lần nữa cho thấy sự tiếp nối truyền thống giữa các thế hệ Việt Nam học ở Nga, những người thực sự mong muốn đóng góp vào sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt./.