Panama lên tiếng cứng rắn sau khi ông Trump dọa giành quyền kiểm soát kênh đào Panama

Ngoại trưởng Panama nêu rõ: “Chủ quyền đối với Kênh đào của chúng tôi không phải là vấn đề cần thảo luận và là một phần của lịch sử, cuộc đấu tranh và thành quả không thể đảo ngược của chúng tôi."

The Sputniknews, Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 8/1 cho biết kế hoạch giành lại quyền sở hữu Kênh đào Panama cho Mỹ đang được xem xét.

Phát biểu họp báo, ông Trump nhấn mạnh: “Vấn đề Kênh đào Panama hiện đang được thảo luận với họ.”

Đáp lại, Ngoại trưởng Panama Javier Martinez-Acha Vasquez cùng ngày đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của ông Trump, khẳng định chính phủ nước này dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Jose Raul Mulino chưa từng có bất kỳ liên hệ chính thức hay không chính thức nào với Tổng thống đắc cử Mỹ hoặc nhóm của ông.

Theo Ngoại trưởng Vasquez, sau khi ông Trump nhậm chức, quan hệ giữa Panama và Mỹ sẽ được điều chỉnh thông qua “các kênh chính thức và thông thường.”

Ngoại trưởng Panama nêu rõ: “Chủ quyền đối với Kênh đào của chúng tôi không phải là vấn đề cần thảo luận và là một phần của lịch sử, cuộc đấu tranh và thành quả không thể đảo ngược của chúng tôi. Sứ mệnh của Kênh đào là phục vụ nhân loại và thương mại. Đây là một trong những giá trị lớn nhất mà nhân dân Panama mang lại cho thế giới: cam kết với cộng đồng quốc tế không tham gia và không là một bên trong bất kỳ cuộc xung đột nào, đồng thời khẳng định Kênh đào “chỉ nằm trong tay Panama và sẽ tiếp tục như vậy”.

Trước đó, hôm 22/12, ông Trump tuyên bố sẽ yêu cầu nhanh chóng trả lại quyền sở hữu Kênh đào Panama cho Mỹ do phí thông thương quá cao. Chính trị gia này nhấn mạnh kênh đào Panama có tầm quan trọng sống còn đối với thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng như việc triển khai nhanh chóng Hải quân Mỹ ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Về phần mình, Tổng thống Panama chỉ trích những bình luận của ông Trump thể hiện sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng về lịch sử.

Ông nhắc lại rằng Kênh đào Panama thuộc sở hữu hoàn toàn của nhà nước theo hiệp ước năm 1977 và chủ quyền quốc gia không phải là chủ đề đàm phán./.