Ông Trump đề xuất các thành viên NATO chi 5% GDP cho quốc phòng

Ông Trump đề xuất các thành viên NATO chi 5% GDP cho quốc phòng, giữa lúc có kỳ vọng rằng ông cũng có thể kêu gọi Hàn Quốc và các đồng minh khác chịu trách nhiệm lớn hơn cho an ninh của mình.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 7/1 tuyên bố các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên chi 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng, cao hơn nhiều so với hướng dẫn hiện tại của liên minh là 2%.

Tổng thống đắc cử Trump đưa ra phát biểu trên trong buổi họp báo tại Câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Palm Beach thuộc bang Florida, giữa lúc có kỳ vọng rằng ông cũng có thể kêu gọi Hàn Quốc và các đồng minh khác tăng chi tiêu quốc phòng và chịu trách nhiệm lớn hơn cho an ninh của mình.

Hiện tại, hướng dẫn của NATO yêu cầu các quốc gia thành viên phải cam kết chi 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng. Mục tiêu này đã được các nhà lãnh đạo trong khối nhất trí vào năm 2014.

Tháng trước, tờ Financial Times đưa tin các trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Trump đã nói với các quan chức châu Âu rằng ông sẽ yêu cầu các quốc gia NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 5% GDP.

Theo Sputniknews, Giáo sư Stavros Kalenteridis thuộc Đại học Aegean ở Athens nhận định rằng Liên minh châu Âu (EU) có thể viện dẫn điều khoản phòng thủ tập thể của mình nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thực hiện lời hứa rút Washington khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong quá khứ, ông Trump đã đề xuất ý tưởng Mỹ rời khỏi liên minh nếu các thành viên khác không tăng cường đóng góp quân sự.

Ông Kalenteridis nói: "Ông Trump từng gợi ý rằng Mỹ có thể sẽ không bảo vệ các quốc gia thành viên NATO không đáp ứng yêu cầu chi tiêu quốc phòng tối thiểu. Ông thậm chí ám chỉ rằng lập trường này có thể khuyến khích Nga nhắm vào các quốc gia không tuân thủ.

Nếu tình huống như vậy xảy ra, một phần của NATO có thể không còn được xem là đáng tin cậy hoặc mạnh mẽ nữa.

Điều này sẽ tạo cơ hội cho EU kích hoạt các điều khoản phòng thủ của Hiệp ước Lisbon, từ đó đặt nền móng cho một cơ cấu phòng thủ song song. Một diễn biến như vậy chắc chắn sẽ làm suy yếu NATO."

Mới đây, một chuyên gia quân sự Pháp dự báo NATO có thể tan rã trong 5 năm tới.

Trả lời phỏng vấn mạng tin tức Strapol, Đại tá Không quân Regis Chamagne - Tư lệnh Binh đoàn Danh dự của quân đội Pháp - nhận định mặc dù NATO không tan rã sau sự sụp đổ của Liên Xô, nhưng "số phận đó vẫn đang chờ đợi liên minh quân sự này trong những năm tới do thiếu tiềm lực địa chính trị."

Đồng minh sẵn sàng cho khả năng "Nước Mỹ trên hết"

Hàn Quốc và các đồng minh khác của Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng khi trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1, ông Trump có thể định hướng lại chính sách đối ngoại của Washington theo khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết.” Theo đó, Washington sẽ thu hẹp quy mô tham gia quân sự tốn kém ở nước ngoài và kêu gọi các đồng minh gánh vác nhiều hơn nữa để giải quyết những thách thức chung.

Một số nhà quan sát dự định ông Trump có thể kêu gọi đàm phán lại thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng mới với Hàn Quốc, được gọi là Thỏa thuận Biện pháp Đặc biệt (SMA).

Hồi tháng 10/2024, Seoul và Washington đã đạt được SMA thứ 12 để xác định phần chia sẻ chi phí của quốc gia Đông Á cho hoạt động đồn trú Các Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) gồm 28.500 quân.

Theo thỏa thuận có hiệu lực đến năm 2030, Seoul sẽ phải trả 1.520 tỷ won (1,04 tỷ USD) vào năm 2026, tăng từ mức 1.400 tỷ won của năm 2025.

Sau khi kết thúc đàm phán SMA, trong bài phát biểu vận động tranh cử, ứng cử viên của đảng Cộng hòa tuyên bố Hàn Quốc sẽ phải trả 10 tỷ USD/năm cho hoạt động đồn trú của USFK nếu ông còn tại vị ở Nhà Trắng. Ông cũng mô tả đồng minh Seoul là “cỗ máy kiếm tiền.”