Pakistan và Nga ký kết hiệp định thương mại song phương

Hiệp định thương mại song phương giữa Pakistan và Nga được ký kết tại hội nghị kinh tế kéo dài 3 ngày dành cho các quốc gia Hồi giáo vừa kết thúc ngày 19/5 tại Kazan (Nga).

Cảng Gwadar của Pakistan. (Nguồn: pakistantoday)

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Á, Pakistan và Nga đã ký hiệp định thương mại song phương nhằm tạo thuận lợi và giảm chi phí thương mại giữa hai nước.

Thỏa thuận đã được ký kết tại hội nghị kinh tế kéo dài 3 ngày dành cho các quốc gia Hồi giáo vừa kết thúc ngày 19/5 tại Kazan (Nga).

Hội nghị đã quy tụ nhiều đại biểu đến từ 85 quốc gia tập trung thảo luận phương thức thúc đẩy một nền tảng để trao đổi ý tưởng kinh doanh.

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Thương mại Pakistan và Cục Hải quan Liên bang Nga đã ký Nghị định thư liên quan đến hợp tác hải quan. Nghị định thư này có vai trò như một khuôn khổ pháp lý quan trọng cho sự phát triển quan hệ thương mại giữa hai quốc gia.

[Nga đang tiến hành đàm phán FTA với một số quốc gia Hồi giáo]

Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa giữa Pakistan và Nga, Nghị định thư còn cung cấp giảm thuế hải quan đáng kể cho các sản phẩm của Pakistan khi vào thị trường Nga. Nghị định thư bao gồm hợp tác hành chính và trao đổi thông tin trong khuôn khổ Ưu đãi thuế quan thống nhất của Liên minh kinh tế Á-Âu.

Theo Bộ Thương mại Pakistan, việc ký kết Nghị định thư mang tính bước ngoặt đánh dấu một bước quan trọng khác trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý cần thiết cho sự phát triển quan hệ thương mại giữa Pakistan và Nga.

Phát biểu với phóng viên hãng tin RT, Bộ trưởng Thương mại Pakistan Naveed Qamar cho rằng quan hệ thương mại và chính trị giữa Pakistan và Nga đã chứng kiến sự cải thiện đáng kể. Nhiều cuộc gặp đã được tổ chức giữa các quan chức cấp cao của cả hai bên, đặc biệt là về thương mại dầu khí.

Ông dẫn chứng chuyến thăm nổi bật của Bộ trưởng Dầu mỏ Nga tới Islamabad, sau đó là chuyến thăm của Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto-Zardari tới Nga./.

Ngọc Thúy (TTXVN/Vietnam+)