Bộ Công Thương: Đẩy mạnh các giải pháp, sáng kiến về tiết kiệm điện
Bộ Công Thương vừa có Tờ trình để kiến nghị Thủ tướng ban hành một Chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện cho giai đoạn từ nay đến 2025 với những biện pháp triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa.
Thời tiết cực đoan khiến nhiều hồ thủy điện trên cả nước cạn kiệt vì thiếu nước, trong khi giá các nguồn nhiên liệu đầu vào như than, khí tăng mạnh… đã gây áp lực không nhỏ tới việc cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng.
Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, việc sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng nhằm giúp Việt Nam đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế cũng như đời sống xã hội nhất là các tháng cao điểm mùa khô năm nay.
Đây cũng là nội dung chính của Tọa đàm: “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả: Giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng,” do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng nay (20/5), tại Hà Nội.
Giảm sử dụng điện vào giờ cao điểm
Năm 2023, dự báo cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến phần lớn các khu vực trên thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong khi giá dầu và khí đốt tăng mạnh. Cuộc khủng hoảng này vẫn còn nhiều điều khó lường và được dự đoán sẽ chưa thể kết thúc trong năm nay.
Điều này đặt ra áp lực lớn đối với nguồn cung năng lượng tại Việt Nam vốn đã thiếu hụt do kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, những ngày gần đây, cả nước liên tục ghi nhận thông tin về thời tiết nắng nóng trên cả nước, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng điện của các hộ sinh hoạt, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đều tăng cao.
[Thời tiết cực đoan, EVN triển khai nhiều giải pháp cung ứng điện]
Theo thống kê của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI), sản lượng tiêu thụ ngày bình quân tháng 5/2023 (tình đến 18/5) là 68.172 triệu kWh, tăng xấp xỉ 10,7% so với tháng 4 (58.336 triệu kWh). Công suất đỉnh (Pmax) được thiết lập lúc 22 giờ ngày 18/5 lên tới 4.546 MW cao nhất trong năm nay.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, năm 2022 Hà Nội có mức tiêu thụ năng lượng đứng đầu toàn quốc (bình thường đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh) và là một thách thức mà Hà Nội phải đối mặt.
Mặt khác, Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung có biểu đồ phụ tải phức tạp hơn rất nhiều so với từ miền Nam Trung Bộ trở vào. Do đó, vấn đề cân đối nguồn điện, vấn đề sử dụng năng lượng và sử dụng điện cũng phức tạp.
“Ngay từ lúc đầu, Sở Công Thương đã đặt ra bài toán phải đầu tư phát triển nguồn điện để đảm bảo cấp điện cho phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội và cho người dân,” ông Thắng nêu ý kiến.
- Tiêu thụ điện liên tục tăng cao và đột biến.
Còn theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), diễn biến thị trường năng lượng thế giới rất phức tạp và giá năng lượng thường xuyên lên mức rất cao, cộng với thời tiết đang diễn biến cực đoan đã gây áp lực không nhỏ tới việc cung ứng điện, nhất là cao điểm nắng nóng.
“Ngay từ đầu mùa khô năm 2023 này Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo và chương trình hành động rất mạnh mẽ để thúc đẩy chương trình tiết kiệm điện ở các địa phương phối hợp với các bộ, ngành, các chính quyền địa phương và với các khách hàng sử dụng điện, nhất là khách hàng sử dụng điện lớn để quán triệt, tăng cường công tác tiết kiệm điện trên toàn quốc,” ông Vũ nói.
“Gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền tiết kiệm điện
Việc cung ứng điện trong năm nay cũng nhìn thấy rất rõ khi hơn 30% phụ thuộc vào thủy điện, nhưng lĩnh vực này từ đầu năm 2023 đang hết sức căng thẳng.
Báo cáo mới đây của Tập Đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, đến ngày 11/5 đã có 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước về mực nước chết hoặc gần mức nước chết bao gồm: Lai Châu, Trung Sơn, Đồng Nai 2, Buôn Tua Srah, Hương Sơn, Trị An, Ialy, Sông Ba Hạ, Xekaman 1, Đakr Tih, Sê San 4.
Ngoài ra, có 21/47 hồ thủy điện lớn có dung tích còn lại dưới 20% như Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà … và 16 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của Quy trình vận hành liên hồ chứa. Đặc biệt là các hồ thủy điện khu vực miền Bắc, tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua (tính đến ngày 11/5).
Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm, một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.
Chính vì vậy, để giảm tải cho việc cung ứng điện, ông Nguyễn Đình Thắng cho biết Hà Nội đã dẩy mạnh tuyên truyền, vận động trong sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Cụ thể hơn, trong năm 2023, Sở Công Thương đặt mục tiêu tiết kiệm từ 1,7-2,2% tổng năng lượng tiêu thụ trên địa bàn thành phố, đồng thời đặt mục tiêu 65% doanh nghiệp phụ tải trọng điểm có cam kết sử dụng tiết giảm theo biểu đồ mà ngành điện đã xây dựng lên để đạt được mong muốn của thành phố.
Đối với 75% các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và còn lại, Hà Nội sẽ tuyên truyền sâu rộng, trực tiếp để vận động thay đổi dần, chuyển đổi dần các công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng bằng các công nghệ mới đem lại sản phẩm tốt hơn và dùng năng lượng ít hơn trong tất cả các ngành liên quan đến công nghiệp.
Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, tính đến hiện nay, trong hơn 193 doanh nghiệp trọng điểm, cơ bản đã biết xây dựng kế hoạch và có cán bộ quản lý năng lượng.
Ngoài ra, Hà Nội dự kiến tổ chức khoảng 1.000 lớp tập huấn đến tận phường và tổ dân phố để người dân có thể trực tiếp đi tuyên truyền, vận động giúp trực tiếp người sử dụng điện, năng lượng tại nhà.
“Hà Nội mong muốn các cơ quan Trung ương, Bộ Giáo dục và Sở Giáo dục các địa phương chung tay đưa vào mô hình tiết kiệm năng lượng trong các trường học ngay từ cấp một để tuyên truyền thì nó sẽ tạo thành ý thức lâu dài trong trong mỗi con người, mỗi người dân trong sử dụng năng lượng và sử dụng điện,” ông Nguyễn Đình Thắng đề xuất thêm.
Về phía Bộ Công Thương, ông Trinh Quốc Vũ thông tin, trong thời gian tới đây Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững sẽ ưu tiên kiểm tra các Sở Công Thương các địa phương trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước tại địa phương để thi hành các quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và của Chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện của Thủ tướng.
Thông qua đó, Vụ sẽ có những trao đổi chặt chẽ hơn và thiết thực hơn, vừa kiểm tra nhưng cũng vừa phối hợp hướng dẫn cho các địa phương cũng như tìm hiểu và học hỏi lại từ những sáng kiến của các địa phương để áp dụng trên một quy mô rộng hơn cho Chương trình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng quốc gia.
Ông Vũ cho hay, để đảm bảo cung ứng điện trong năm 2023 này, đặc biệt trong mùa nắng nóng, Bộ Công Thương vừa có Tờ trình để kiến nghị Thủ tướng ban hành một Chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện cho giai đoạn từ nay đến 2025 với những biện pháp triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa.
Qua đó giúp đảm bảo cung ứng điện, đảm bảo mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và đạt được các chỉ tiêu của Chính phủ đề ra là đạt được mức phát thải đỉnh vào năm 2030 và hướng đến phát thải ròng bằng không vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị biến đổi khí hậu năm 2021 (Hội nghị COP26).
Tại tọa đàm, bà Lý Thị Phương Trang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Daikin Việt Nam cho biết trong vài năm tới Daikin Việt Nam sẽ tiếp tục khuyến khích và thúc đẩy sử dụng sản phẩm điều hòa không khí loại biến tần nhiều hơn.
Doanh nghiệp này cũng khẳng định không ngừng nghiên cứu để nâng cao chỉ số về tiết kiệm điện của máy điều hòa không khí, đặc biệt là điều hòa dân dụng, cũng như là thương mại và kể cả những hệ thống trung tâm.
“Daikin sẽ áp dụng những công nghệ cảm biến để nâng cao hiệu năng sử dụng điện. Còn trong tương lai xa, doanh nghiệp sẽ có những dự án chuyển dịch sang những máy điều hòa tiết kiệm điện 100% như Singapore hoặc Nhật Bản đã tiến hành,” bà Lý Thị Phương Trang chia sẻ thêm./.