Nông sản tuần qua: Gạo trong nước chững giá sau đợt nghỉ lễ dài ngày
Vụ Đông Xuân thu hoạch xong, thị trường chờ vụ Hè Thu vào chính vụ và đợt nghỉ lễ dài ngày qua, khiến thị trường giao dịch trầm lắng nên giá gạo xuất khẩu của Việt Nam rời khỏi mức cao trong 2 năm.
Trong tuần qua, hầu hết loại lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều chững giá.
Vụ Đông Xuân đã thu hoạch xong, thị trường phải chờ vụ Hè Thu vào chính vụ. Cộng với vừa qua đợt nghỉ lễ dài ngày, thị trường giao dịch trầm lắng khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam rời khỏi mức cao nhất trong hai năm.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy tại Cần Thơ, giá lúa vẫn giữ ổn định như OM 4218 là 7.400 đồng/kg, IR 50404 là 6.800 đồng/kg, Jasmine là 7.600 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, lúa IR 50404 ở mức 6.500 đồng/kg; OM 5451 là 6.700 đồng/kg; Jasmine là 7.000 đồng/kg.
Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức từ 6.400-6.500 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 6.600-6.800 đồng/kg; OM 5451 từ 6.400-6.500 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 6.600-6.750 đồng/kg; IR 50404 từ 6.200-6.400 đồng/kg.
Giá lúa nếp khô tại An Giang có giá từ 8.000-8.200 đồng/kg; nếp Long An khô từ 8.600-8.800 đồng/kg.
Đến nay, toàn tỉnh An Giang đã cơ bản đã thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân trên diện tích 230.000ha, nông dân phấn khởi vì trúng mùa, được giá. Hiện nay, nông dân tiếp tục xuống giống vụ Hè Thu 2023 với diện tích dự kiến gần 228.900ha.
[Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa biến động trái chiều]
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, để đạt tăng trưởng cả năm, vụ Hè Thu và Thu Đông 2023 cần đảm bảo sản xuất theo kế hoạch và nhân rộng mô hình liên kết với doanh nghiệp, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng. Đồng thời, vận động nông dân trồng các giống lúa chất lượng cao như Đài thơm 8, Nàng hoa 9, OM18, Jasmine...
Vụ lúa Hè Thu 2023, tính đến nay, An Giang đã có 14 doanh nghiệp đứng ra đề nghị liên kết sản xuất và tiêu thụ cho các hợp tác xã và nông dân với trên 145.000ha, chiếm hơn 63% diện tích xuống giống.
Về xuất khẩu, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm nay đạt 2,95 triệu tấn với 1,56 tỷ USD, tăng 43,6% về khối lượng và tăng 54,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm nay ước đạt 526 USD/tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 4/2023, giá xuất khẩu gạo từ Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm.
Tuy nhiên, tuần qua giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 485-495 USD/tấn, giảm từ mức 495-500 USD/tấn của một tuần trước - mức cao nhất kể từ tháng 4/2021.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Hoạt động giao dịch không khởi sắc sau kỳ nghỉ lễ dài ngày.”
Tương tự, giá gạo xuất khẩu từ Ấn Độ - trung tâm xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - cũng giảm tuần thứ ba liên tiếp do nhu cầu suy yếu. Trong phiên cuối tuần 5/5 vừa qua, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 376-380 USD/tấn, thấp hơn so với mức tương ứng từ 378-382 USD/tấn của tuần trước.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) cho biết: “Người mua đang trì hoãn việc mua hàng khi giá đang giảm. Họ muốn xem giá có thể giảm thêm bao nhiêu.”
Còn các quan chức Bộ Nông nghiệp Bangladesh cho biết sản lượng gạo của nước này từ vụ Hè có khả năng vượt mục tiêu và đạt 22 triệu tấn, do nông dân mở rộng diện tích trồng để tận dụng tăng doanh thu khi giá cao hơn.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống còn khoảng 485 USD/tấn, sau khi tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng là từ 490-495 USD/tấn vào tuần trước, do nhu cầu mạnh từ Indonesia và do nguồn cung địa phương cạn kiệt khi mùa thu hoạch sắp kết thúc.
Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan vẫn đang hoàn thành các chuyến hàng đến Indonesia sau khi đơn đặt hàng tăng kể từ tuần trước. Một thương nhân ở Bangkok cho biết: “Giá sẽ duy trì ở mức này trong một thời gian do nguồn cung chậm lại vào gần cuối vụ thu hoạch.”
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch Chicago (CBOT) đồng loạt đi lên trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/5, dẫn đầu là giá lúa mỳ. Khép phiên này, giá ngô giao tháng 7/2023 tăng 7,5 xu (1,27%) lên 5,965 USD/bushel.
Giá lúa mỳ giao tháng Bảy tới tăng 15,25 xu (2,36%) lên 6,7925 USD/bushel. Trong khi đó, giá đậu tương giao cùng kỳ hạn cũng tiến 18,75 xu (1,32%) lên 14,365 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg).
Tăng trưởng việc làm của Mỹ đã tăng tốc trong tháng Tư vừa qua, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,4% và nguy cơ suy thoái kinh tế của nước này đã giảm bớt. Điều này giúp tăng số lượng hợp đồng mua bán nông sản tương lai.
Nga, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc các cuộc đàm phán và không đạt được thỏa thuận cho phép các tàu mới vào khu vực Biển Đen. Thời gian không còn nhiều để gia hạn Thỏa thuận hành lang ngũ cốc Biển Đen. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago (Mỹ) đã cảnh báo mức độ biến động của thị trường nông sản vẫn sẽ ở mức cao, song hoạt động thương mại ngũ cốc thế giới đã tăng tốt hơn so với dự đoán của thị trường.
Khảo sát Markit về lúa mỳ vụ Đông của Mỹ ước tính sản lượng lúa mỳ vụ Đông loại Hard Red Winter (HRW) của nước này là 588 triệu bushels và loại Soft Red Winter (SRW) là 387 triệu giạ, so với các mức tương ứng là 531 triệu bushel và 337 triệu bushel của cùng kỳ năm trước. Các thương nhân lo ngại rằng vụ lúa mỳ HRW cuối cùng của Mỹ sẽ giảm so với năm ngoái do có thêm nhiều diện tích đất bị bỏ hoang.
Tổng sản lượng đậu tương và ngô của Argentina tiếp tục giảm xuống 18,5 triệu tấn và 30 triệu tấn, giảm lần lượt 8,5 triệu tấn và 7 triệu tấn so với dự báo tháng Tư vừa qua của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Về thị trường càphê thế giới, khủng hoảng ngành ngân hàng ở Mỹ lây lan khiến lo ngại rủi ro tăng cao nên phần lớn các Quỹ và đầu cơ tiếp tục đứng bên ngoài thị trường. Điều này khiến giá cà phê quay đầu giảm trên cả hai thị trường Anh và Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch 5/5, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London (Anh) đi xuống. Loại có kỳ hạn giao tháng Bảy tới giảm 12 USD, xuống 2.412 USD/tấn và loại có kỳ hạn giao tháng Chín năm nay giảm 10 USD, còn 2.391 USD/tấn. Khối lượng giao dịch rất thấp dưới mức trung bình.
Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE USNew York (Mỹ) cũng tiếp tục sụt giảm. Loại có kỳ hạn giao tháng 7/2023 giảm 2,55 xu, xuống 182,95 xu/lb và loại kỳ hạn giao tháng 9/2023 giảm 2,35 xu, còn 180,50 xu/lb (1lb = 0,45kg). Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá càphê trên cả hai sàn giao dịch trở lại xu hướng suy yếu do khủng hoảng ngành ngân hàng ở Mỹ khiến lo ngại rủi ro tăng cao, dẫn tới việc các quỹ và giới đầu cơ dè chừng mua vào với suy đoán tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ cà phê sẽ chậm lại. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) quyết định nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm đã không thu hút đầu cơ mạnh tay rót vốn vào hàng hóa nói chung.
Tổ chức Càphê Quốc tế (ICO) cho biết xuất khẩu càphê toàn cầu trong 6 tháng đầu niên vụ 2022/2023 chỉ đạt 62,30 triệu bao, giảm 6,4 % so với cùng kỳ niên vụ trước. ICO đã không đưa ra bất kỳ một lời giải thích nào về nguyên nhân xuất khẩu sụt giảm./.