Cuộc đua tăng vốn điều lệ ngân hàng tiếp tục vào guồng quay mới
Vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp cho các ngân hàng có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trong môi trường rủi ro tín dụng và kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, áp lực tăng vốn đè nặng lên các ngân hàng ngày một tăng. Điều này đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng trong năm nay và những năm tiếp theo của các ngân hàng.
Đồng loạt tăng vốn
Ngân hàng Nhà nước vừa có thông tin về tình hình tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank.
Cụ thể thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho hay tính đến cuối tháng Tư, cơ quan này đã trình Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 sau khi chia tổ cổ tức bằng tiền mặt.
Ngân hàng Nhà nước đồng thời chỉ đạo Vietcombank, VietinBank, BIDV xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Riêng với ngân hàng Agribank, Ngân hàng Nhà nước cho hay đã trình Thủ tướng Chính phủ và dự thảo tờ trình Quốc hội về phương án tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này.
[Nhiều ngân hàng kiến nghị tăng vốn và sửa đổi gói hỗ trợ 2%]
Đây cũng là điểm nhấn quan trọng tại mùa đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng vừa kết thúc, một loạt tổ chức tín dụng đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ để để mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực tài chính…
Các phương án tăng vốn được thông qua bằng việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, chào bán riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…
Ông Nguyễn Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết ngân hàng này đang trình 3 phương án về tăng vốn.
Phương án thứ nhất, theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Vietcombank năm 2022 đã thông qua là tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019, với tỷ lệ phát hành tăng vốn 18,1%. Ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước đã thông qua đề xuất tăng vốn này. Nếu không có gì thay đổi, một tháng nữa Vietcombank sẽ hoàn thành tăng vốn theo phương án này.
Phương án thứ hai được Đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây của Vietcombank đã thông qua, là tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 với mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ tăng thêm là 58,4%. Như vậy vốn điều lệ mới dự kiến đạt khoảng 75.000 tỷ đồng. Chủ trương tăng vốn đã được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính thống nhất và đang chuẩn bị các thủ tục để trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua. Theo quy định, với mức tăng vốn như trên phải được Quốc hội thông qua.
Phương án thứ ba là kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng đang triển khai các bước theo thủ tục và đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn tài chính. Dự kiến, Vietcombank sẽ chào bán riêng lẻ cho đối tác ngoại trong năm 2023-2024.
Tương tự, VietinBank cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên 53.700 tỷ đồng nhưng chưa được hoàn tất. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận còn lại năm 2020. Do đó, trong năm nay, nếu tại thời điểm phát hành, vốn điều lệ VietinBank vẫn đang ở mức 48.058 tỷ đồng thì tỷ lệ chia cổ tức tương đương với 25,66%. Vốn điều lệ dự kiến tăng lên 60.387 tỷ đồng.
Trường hợp tại thời điểm phát hành, ngân hàng đã hoàn tất việc tăng vốn lên 53.700 tỷ đồng, thì tỷ lệ chia cổ tức là 22,96%. Vốn điều lệ sau khi phát hành thành công là 66.030 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành việc tăng vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại giấy phép/chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Trong khi đó MB có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu trong năm nay. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2022 để lại của MB sau khi trích các quỹ là 12.151 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế để lại luỹ kế (bao gồm lợi nhuận để lại các năm trước) là 13.261 tỷ đồng.
Ngân hàng dự kiến dùng 9.068 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông. Trong đó, 6.801 tỷ đồng dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 15%. Bên cạnh đó, 2.266 tỷ đồng chia cổ tức bằng tiền mặt, tương đương tỷ lệ 5%.
Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% sẽ giúp vốn điều lệ của MB tăng thêm 6.801 tỷ đồng. Số cổ phiếu phát hành là hơn 680 triệu đơn vị, thực hiện trong năm 2023.
Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến tăng thêm 1.542 tỷ đồng cho vốn điều lệ từ việc tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông 2022 thông qua và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Vốn điều lệ dự kiến của MB sau khi hoàn thành việc tăng vốn điều lệ năm 2023 là 53.683 tỷ đồng.
Ngoài ra, môt loạt tổ chức tín dụng khác cũng lên kế hoạch tăng vốn như VPBank dự kiến tăng lên 79.339 tỷ đồng thông qua việc bán 1,19 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản - Sumitomo Mitsui Banking Corporation; LPB cũng tăng vốn điều lệ lên 28.676 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu; TPBank tăng vốn điều lệ lên 22.016 tỷ đồng, tương đương tăng 39% thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2023; SHB tăng lên 36.600 tỷ đồng; HDBank tăng lên 29.300 tỷ đồng; VIB tăng lên 25.368 tỷ đồng; SeABank tăng lên 20.403 tỷ đồng; BAC A Bank tăng lên 9.000 tỷ đồng…
Áp lực trong môi trường rủi ro tín dụng cao
Trong ba năm trở lại đây, các ngân hàng đều lên kế hoạch tăng vốn “khủng.” Cách thức tăng vốn chủ yếu là chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ từ 10-50% và phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ. Song không phải ngân hàng nào cũng tăng vốn thành công, có ngân hàng chỉ hoàn thành một phần kế hoạch.
Trong năm 2022, không có nhiều ngân hàng hoàn thành kế hoạch tăng vốn khi chỉ có 15 trong 27 ngân hàng tăng vốn điều lệ. Ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, chỉ có Vietcombank tăng vốn điều lệ thêm 28%. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân bình quân tăng trưởng khoảng 21% (năm 2021 là 25%).
Trong năm 2023, phương án phát hành thêm sẽ phụ thuộc phần lớn vào diễn biến trên thị trường chứng khoán mà thị trường chứng khoán gần đây không mấy thuận lợi. Vì vậy, thách thức tăng vốn hiện nay với các ngân hàng là không nhỏ.
Ngoài ra, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nợ xấu gia tăng cũng tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống. Tính đến cuối tháng Hai, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,91% (tăng so với mức 2,46% vào cuối năm 2016; mức 1,49% vào cuối năm 2021 và mức 2% vào cuối năm 2022). Bên cạnh đó, hệ số an toàn vốn CAR của nhiều ngân hàng cũng vẫn đang ở mức thấp.
Thời gian qua, các ngân hàng thương mại tích cực tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính. Nhưng so với các ngân hàng trong khu vực, bộ đệm vốn của ngân hàng Việt vẫn còn mỏng. Trong khi các nước trong khu vực đã thực hiện Basel 3 hoặc một phần Basel 3, Việt Nam mới thực hiện Basel 2.
Vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số CAR và xếp hạng các ngân hàng. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thời gian tới là hết sức cần thiết giúp các ngân hàng phát triển lành mạnh, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng khả năng chống chịu trong một nền kinh tế đầy biến động.
Theo đó, vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp cho các ngân hàng có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, thách thức, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi hoạt động sản xuất-kinh doanh./.