Ninh Thuận rất đồng thuận, kỳ vọng vào việc triển khai Dự án Điện hạt nhân

Tỉnh sẽ chủ động tiến hành khảo sát, lấy ý kiến, xác định tâm tư, nguyện vọng nhân dân vùng dự án, tăng cường tuyên truyền, thông tin, vận động tạo đồng thuận nhân dân khi dự án được triển khai.

Vùng lõi dự án xây dựng Nhà máy Điên hạt nhân Ninh Thuận 1 trước đây tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Sau khoảng 8 năm tạm dừng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận theo Nghị quyết 31/2016/QH14 của Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua việc tái khởi động dự án điện hạt nhân, làm cơ sở để đẩy nhanh dự án, tạo điểm nhấn cho sự phát triển mới của đất nước.

Ninh Thuận - vùng đất hội tụ những giá trị khác biệt rất vinh dự và tự hào khi được đảm nhiệm, đón nhận dự án tầm cỡ đầu tiên của đất nước.

Chia sẻ vinh dự được gánh trọng trách quan trọng của đất nước về an ninh năng lượng, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận xung quanh vấn đề này.

- Với việc Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết tái khởi động Dự án Điện hạt nhân tại tỉnh, xin Chủ tịch chia sẻ cảm nhận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh khi vinh dự được đón nhận trọng trách quan trọng này?

Chủ tịch Trần Quốc Nam: Từ năm 2009, khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 41/2009/QH12 về chủ trương xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đều rất đồng thuận việc triển khai dự án, phối hợp rất tốt thực hiện các công việc cho đến khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 31/2016/NQ-QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án. Từ đó đến nay, nhân dân vùng dự án gặp nhiều khó khăn, mong muốn sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.

Nay Quốc hội có chủ trương tái khởi động Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân vùng dự án và cử tri Ninh Thuận luôn đồng tình, tin tưởng, chấp hành theo các quyết định, chủ trương, đường lối lãnh chỉ đạo của Đảng. Đây là vinh dự rất lớn lao của Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận khi Quốc hội thông qua việc tiếp tục khởi động dự án Điện hạt nhân trong bối cảnh tình hình phải đủ nguồn năng lượng, nhất là năng lượng sạch đáp ứng cho nhu cầu cấp thiết để phát triển của cả đất nước đến năm 2030, năm 2045 và xa hơn, bền vững hơn.

Ninh Thuận luôn mong muốn đóng góp công sức, nguồn lực…, góp phần cùng cả nước, dân tộc Việt Nam đoàn kết, chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện khát vọng phát triển đất nước, hướng đến “Kỷ nguyên phát triển mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” do Tổng Bí thư Tô Lâm khởi xướng.

- Thưa Chủ tịch, trước đây khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, địa phương đã gặp khó khăn gì? Và tỉnh có giải pháp như thế nào để ổn định cuộc sống người dân vùng dự án?

Chủ tịch Trần Quốc Nam: Ngày 26/11/2016, Quốc hội ban hành Nghị quyết 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Chủ trương này đã làm thay đổi các kịch bản tăng trưởng và phát triển của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội và các công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn hai xã Phước Dinh, xã Vĩnh Hải và vùng lân cận bị xuống cấp do không được đầu tư, chờ bàn giao chuyển đi nơi ở mới. Nhân dân trong vùng dự án gặp nhiều khó khăn, trải qua thời gian dài chờ đợi, mong mỏi sớm được về nơi ở mới, ổn định đời sống và sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. (Ảnh: TTXVN phát)

Tỉnh đã tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân, tuyên truyền đến cán bộ, công chức, Đảng viên, các hội đoàn thể chính trị và nhân dân hiểu rõ hơn về chủ trương dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận của Quốc hội thông qua đó đã giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của người dân, tạo đồng thuận cao với chủ trương của Nhà nước.

Để ổn định sản xuất cho người dân vùng dự án, trong năm 2024, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí cho tỉnh 273 tỷ đồng và cùng với vốn cân đối ngân sách địa phương, tỉnh đã đầu tư 17 hạng mục về giao thông, trường học tại 2 khu vực Nhà máy Điện hạt nhân.

Tỉnh xác định trong thời gian chờ đợi triển khai lộ trình các công việc sắp tới cần có thời gian, trước mắt phải bảo đảm cho nhân dân vùng dự án có các điều kiện về đời sống, sinh hoạt, sản xuất liên tục, tối thiểu, các công trình đầu tư phát huy hiệu quả trước mắt và lâu dài, không lãng phí nguồn lực Nhà nước; đặc biệt là tạo niềm tin cho nhân dân yên tâm trong thời gian đến, cùng đồng hành triển khai các công việc rất quan trọng, cấp bách để xây dựng các Nhà máy Điện hạt nhân.

- Giờ dự án đã được tái khởi động lại, thưa Chủ tịch, tỉnh có sự chuẩn bị như thế nào để đón nhận dự án trọng điểm của quốc gia?

Chủ tịch Trần Quốc Nam: Khi xác định cụ thể lộ trình triển khai các Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, trước mắt tỉnh sẽ chủ động tiến hành khảo sát, lấy ý kiến, xác định tâm tư, nguyện vọng nhân dân vùng dự án, tăng cường tuyên truyền, thông tin, vận động tạo đồng thuận nhân dân khi dự án được triển khai.

Tỉnh cũng xin chủ trương của Trung ương điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bổ sung định hướng phát triển nhà máy điện hạt nhân. Tỉnh cũng sẽ lựa chọn phương án phát triển các ngành, lĩnh vực; bố trí lại không gian, phân bổ, khoanh vùng đất đai; tính toán lại kịch bản phát triển; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vùng phát triển điện hạt nhân để bảo đảm điều kiện triển khai.

- Thưa Chủ tịch, tỉnh có kiến nghị và đề xuất gì với Trung ương khi dự án triển khai thực hiện? Chủ tịch kỳ vọng thế nào về sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới?

Chủ tịch Trần Quốc Nam: Trong bối cảnh tái khởi động Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, để hỗ trợ tỉnh tận dụng thành công thời cơ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ các nhóm chính sách đặc thù cho tỉnh như: đầu tư hạ tầng truyền tải, có chính sách hỗ trợ giá điện cho người dân; chính sách về đầu tư hạ tầng, y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội, giao thông, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp....

Vùng đất xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trước đây ở thôn Thái An (xã Vĩnh Hải) vẫn được người dân sản xuất. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Tỉnh cũng mong được Trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng khung kết nối trọng điểm, động lực, liên vùng hình thành các trục hành lang kết nối đẩy phát triển công nghiệp, thương mại và du lịch của tỉnh và các địa phương trong vùng, góp phần để hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhanh và bền vững, rút ngắn nhanh chênh lệch quá trình phát triển so với các tỉnh trong vùng và cả nước.

Dự án Điện hạt nhân là dự án trọng điểm của Quốc gia, có tổng mức đầu tư rất lớn, tác động lớn và có vai trò động lực quyết định đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Do đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận rất đồng thuận, rất kỳ vọng và luôn đặt niềm tin to lớn vào chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước; qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển mới của quê hương, đất nước trong giai đoạn tới.

- Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Chủ tịch!./.