Điểm đến văn hóa của thanh niên Việt Nam tại Liên bang Nga
Thư viện Thanh niên tại Nga sẽ tổ chức giao lưu chuyên đề, tổ chức ngày đọc sách, thi kể chuyện, viết về sách, tổ chức hoạt động ngày sách và hội sách để nâng cao vai trò của sách với các bạn trẻ.
Ngày 8/12, tại không gian phòng sinh hoạt chung đặt tại trụ sở Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga, Ban Cán sự Đoàn, Hội sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga đã khai trương thư viện Thanh niên - địa chỉ sinh hoạt văn hóa tinh thần của tất cả các thanh niên Việt Nam đang học tập tại Xứ sở Bạch Dương.
Sự kiện này nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng những sự kiện lớn của cộng đồng cũng như của quan hệ song phương như Đại hội đại biểu Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga lần thứ tư, 75 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Liên bang Nga.
Phát biểu chào mừng sự kiện, bà Ngô Thị Thu Hoài, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Việt Nam tại Liên bang Nga, đề cao ý nghĩa của sáng kiến khi diễn ra trước thềm Đại hội đại biểu Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga lần thứ tư. Bà nhắc nhở rằng đọc sách cũng là một phương cách để hoàn thiện con người, thư viện sẽ không chỉ là nơi để đọc sách, mà còn gắn kết những người trẻ từ mọi miền Việt Nam đến học tập tại Liên bang Nga.
Ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, còn nhớ diện mạo trụ sở từ vài chục năm trước, nay đã hoàn toàn thay đổi nhờ công trình khang trang của sinh viên. Cũng từng là một cựu sinh viên tại Liên Xô sau trở thành một doanh nhân thành đạt, ông Hoàng đã chia sẻ chân thành với các bạn trẻ rằng chính sự ham học hỏi, sự khao khát kiến thức đã từng giúp dân tộc Việt Nam thoát khỏi chiến tranh, nghèo nàn, tụt hậu, phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu.
Trong thời đại hiện nay, kiến thức không còn khó tìm nhờ mạng Internet, thì một nhiệm vụ mà thanh niên trí thức Việt Nam cần luôn ghi nhớ đó là tiếp thu có chọn lọc kiến thức và thông tin, tránh bị thao túng trong “bể” kiến thức.
Thư viện Thanh niên trước mắt đã thu thập được khoảng 1.200 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực, từ lịch sử, chính trị, kinh tế, đến văn hóa và văn nghệ, sách bằng tiếng Việt, bằng tiếng nước ngoài. Các đầu sách cũng được đưa lên trang web của Hội để các bạn sinh viên có thể tìm hiểu trước khi tìm đến thư viện.
Bên cạnh đó, thư viện cũng còn là nơi trưng bày các kỷ vật, kỷ niệm, quà tặng, bằng khen mà Hội sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga đã nhận được nhờ thành tích trong hoạt động học tập, thiện nguyện, hướng về Tổ quốc, từng bước xây dựng nên góc truyền thống của hàng chục nghìn các chủ nhân tương lai của đất nước trong quãng thời gian học tập, rèn luyện và trưởng thành tại Liên bang Nga.
Thư viện cũng sẽ tổ chức các buổi giao lưu chuyên đề, tổ chức ngày đọc sách, thi kể chuyện, viết về sách, tổ chức hoạt động ngày sách và hội sách hằng năm để nâng cao vai trò của sách với các bạn trẻ.
Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga Lê Huỳnh Đức cho biết công trình ngày hôm nay là kết quả của hai năm nỗ lực kể từ khi Đại sứ Đặng Minh Khôi gợi ý và chỉ đạo tổ chức một địa chỉ văn hóa cho sinh viên tại Moskva, làm phong phú thêm đời sống của sinh viên, nâng cao hiệu quả học tập.
Sáng kiến thư viện cũng nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị," Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, và được đông đảo các bạn trẻ nhiệt tình hưởng ứng, chung tay cũng thực hiện từ việc quyên góp sách, xây dựng quy trình đọc và mượn sách, đề ra quy chế phòng đọc.
Kể từ sau khi được kiện toàn tổ chức từ Đại hội đại biểu lần thứ nhất vào tháng 3/2024, Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa, ngày càng khẳng định vai trò tiên phong trong hưởng ứng khẩu hiệu hành động của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI: "Sinh viên Việt Nam: Vững bản sắc-Giàu khát vọng-Kiến tạo tương lai-Dựng xây đất nước”./.