Những “người lái đò” nhiệt tâm, hết mình vì học trò vùng khó
Thương cuộc sống nhiều khó khăn của các học trò, các thầy cô giáo đã tìm nhiều giải pháp để hỗ trợ các em từng bữa ăn, quần áo mặc đến dạy kỹ năng sống, xây trường mới.
Trong số 10 cá nhân được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vinh danh tại Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2023, có đến ba người là giáo viên các trường phổ thông. Đó là những người thầy giáo, cô giáo đã tận tâm tận lực vì học trò thân yêu. Không chỉ mang đến cho các em tri thức, các thầy cô còn lo cho học trò từ cái ăn, cái mặc, giúp các em mọi mặt trong cuộc sống.
Lo cho học trò ăn no, mặc ấm
Suốt 19 năm gắn bó với học trò vùng cao, cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường Trung học phổ thông Phan Đình Giót (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) luôn trăn trở mỗi khi nghe các em nói về ước mơ được ăn no, mặc ấm. Đó cũng là lý do để cô thêm yêu và giữ động lực trên hành trình “gieo” chữ, vun đắp cho những ước mơ tươi đẹp ấy bay cao hơn.
Học sinh của cô đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn khó khăn, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm nên việc học không phải là ưu tiên hàng đầu của các em và gia đình. Để tạo động lực cho học sinh vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập, cô Hà đã thực hiện các dự án thiện nguyện như “shop quần áo, đồ dùng 0 đồng,” “Bữa cơm có đạm,” “Sữa lên vùng biên,” “Học bổng vùng cao”…
Đặc biệt, cô Hà đã thành lập dự án “Tủ sách Tâm Phúc” với tâm niệm “sách cũ - tri thức mới,” giúp các em học sinh được tiếp cận và mở mang tri thức qua những trang sách. Hiện “Tủ sách Tâm Phúc” đã trao tặng hơn 5.000 cuốn cho học sinh các trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Ngoài các dự án thiện nguyện trên, cô Hà còn tham gia hỗ trợ 38 lượt học sinh trong chương trình “Nuôi em vùng cao,” mở lớp Tiếng Anh miễn phí cho gần 200 lượt học sinh.
Không chỉ xây dựng các dự án mang lại lợi ích cho học trò, cô Hà còn tham gia tặng 4.500 cây xanh cho bà con vùng cao, thực hiện dự án “Áo dài Tâm Phúc” (cho thuê áo dài giá 0 đồng) và thu gom được hơn 6.000 áo dài.
Với những nỗ lực vì học trò và cộng đồng, năm 2021, cô Nguyễn Thị Hà đã vinh dự được Bộ giáo dục tặng Bằng khen và vinh danh nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Năm 2022, cô được Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, Cụm thi đua 7 tỉnh Miền núi biên giới phía Bắc năm 2022.”
Dốc sức phòng chống đuối nước cho học sinh
Cũng dốc lòng chăm lo cho học trò, thầy Mai Văn Chuyền, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Ngô Mây (xã Ea M'droh, H.Cư M'gar, Đắk Lắk) lại đặc biệt trăn trở với vấn đề làm sao để phòng chống đuối nước cho các em.
Nhận thấy việc phòng, chống đuối nước cần thiết thực hơn, không chỉ dừng ở mức đưa ra những thông điệp cảnh báo hiểm nguy, với sự hỗ trợ của cộng đồng, năm 2021, thầy Chuyền đã huy động mua một bể bơi di động cho Huyện đoàn Krông Bông, qua đó đã giúp hơn 200 trẻ em được học bơi. Từ tháng 10/2022, thầy đã đã đến 31 trường học ở Đắk Lắk để trang bị cho hơn 17.000 học sinh học sinh về các kỹ năng phòng, chống đuối nước và sơ cấp cứu cơ bản, tác động sâu rộng đến nhận thức của cộng đồng dân cư trong phòng chống tai nạn đuối nước.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, thầy Chuyển cho biết trong năm 2024, thầy sẽ triển khai các buổi tuyên truyền phòng chống đuối nước đến 42 trường học (khoảng 18.000 trẻ được tiếp cận) trên địa bàn tỉnh, tổ chức từ 10 -12 lớp dạy bơi, giúp cho khoảng từ 200 – 250 trẻ em được học bơi miễn phí.
Bên cạnh đó, thầy cũng sẽ thực hiện việc chuyển giao và nhân rộng dự án “Nâng cao năng lực phòng chống tại nan thương tích cho thiếu nhi” nhằm tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước và dạy bơi miễn phí đến Huyện Đoàn Krông Bông, huyện Đoàn Cư Kuin tỉnh Đăk Lăk để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Cũng như cô Hà, bên cạnh các hoạt động vì học sinh, thầy Chuyền cũng triển khai nhiều dự án vì cộng đồng như tổ chức chương trình khám chữa bệnh và phát quà cho bà con nhân dân Buôn Dhung xã Ea M’droh huyện Cư M’gar trị giá 237 triệu đồng; tổ chức trao tặng công trình thắp sáng đường quê trị giá hơn 36 triệu đồng với độ dài là 1km tại buôn Dhung xã Ea M’droh huyện Cư M’gar.
Ngoài ra, thầy Chuyền còn triển khai Dự án “Ngôi nhà Trí Tuệ” xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar nhằm tạo không gian học tập suốt đời với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng.
Mang trường đẹp cho em
Năm học 2019-2020 là năm đầu tiên cô giáo Trà Thị Thu nhận nhiệm vụ giảng dạy ở điểm trường Tắk Pổ - một trong những điểm trường xa nhất, khó khăn nhất của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Thương những học trò vùng cao thiếu từ cái ăn, cái mặc, đường đến trường nhiều khó khăn, lại phải học tập trong điều kiện trường lớp chưa kiên cố, ngoài giờ dạy trên lớp, cô Trà tranh thủ kết nối mạng xã hội với các mạnh thường quân kêu gọi sự đóng góp hỗ trợ vật chất để giúp đỡ các em.
Cô đã kết nối xây dựng 2 cây cầu dân sinh cho xã Trà Nam, huyện Nam Trà My trị giá 400 triệu đồng. Cô phối hợp cùng câu lạc bộ Kết nối yêu thương huyện Nam Trà My kết nối xây 9 ngôi trường ở xã Trà Tập (huyện Nam Trà My) trị giá hơn 1 tỷ đồng, xây 30 nhà vệ sinh cho làng Tâk Pổ (xã Trà Tập) trị giá khoảng 100 triệu đồng; trao tặng công trình điện năng lượng mặt trời cho xã Trà Tập trị giá khoảng 300 triệu đồng...
Chuyển công tác sang điểm trường Lang Lương của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, cô kết nối và thực hiện bữa ăn dinh dưỡng hàng ngày cho 30 em học sinh tại điểm trường với nguồn kinh phí tài trợ là 100 triệu đồng.
Với những nỗ lực vì học trò, năm 2023, cô đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Chia sẻ niềm vui khi được vinh danh tại Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2023, cô Trà xúc động cho biết mong ước lớn nhất là mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn, tương lai tươi sáng hơn cho những học trò nhỏ vùng khó của mình.
“Tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để có thể mang đến tri thức cho các em, để giúp đỡ các em được nhiều hơn, để lớn lên các em sẽ giúp ích cho quê hương mình. Tôi cũng mong cộng đồng mạng hướng đến những dự án, chương trình thiết thực đối với học sinh và người dân vùng khó,” cô Trà nói./.