NHNN hút về 15.000 tỷ đồng qua tín phiếu phiên 11/3 sau 4 tháng tạm ngưng

Sau 4 tháng tạm ngưng, Ngân hàng Nhà nước đã khởi động lại kênh hút tiền qua tín phiếu có kỳ hạn 28 ngày trong bối cảnh lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng "lao dốc" trong vài tuần qua.

Ngân hàng Nhà nước hút về 15.000 tỷ qua tín phiếu phiên 11/3 sau 4 tháng tạm ngưng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả đấu thầu trên thị trường mở phiên 11/3/2024. Theo đó, đơn vị này đã phát hành gần 14.999,8 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày với 6/18 thành viên tham gia trúng thầu, lãi suất 1,4%/năm, sau hơn 4 tháng tạm ngưng.

Mức lãi suất trúng thầu phiên hôm nay thấp hơn nhiều so với mức 2,13%/năm của lãi suất kỳ hạn 1 tháng trên thị trường liên ngân hàng, cho thấy thanh khoản hệ thống đang khá dư thừa.

Giới phân tích nhận định việc khởi động lại hoạt động chào bán tín phiếu cho thấy định hướng hút bớt thanh khoản hệ thống của nhà điều hành, từ đó làm tăng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng. Việc này sẽ hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá USD/VND.

Nhìn chung động thái phát hành tín phiếu của nhà điều hành có nét tương đồng so với hồi tháng 9/2023 khi tỷ giá USD/VND cũng đang chịu nhiều áp lực trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào với tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp.

Thống kê từ ngày 21/9-8/11/2023, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tổng cộng 360.345 tỷ đồng tín phiếu, kỳ hạn 28 ngày.

Lý giải nguyên nhân khởi động lại kênh phát hành tín phiếu, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khi đó cho biết: "Trong giai đoạn gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã phải điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. Hiện nay lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn ổn định. Dù vậy, áp lực thời gian tới vẫn rất lớn khi chúng ta cần cân đối giữa lãi suất và tỷ giá."

Đáng chú ý, nhà điều hành khởi động lại công cụ hút tiền về trong bối cảnh lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng liên tục "lao dốc" trong vài tuần qua.

Trước đó, vào ngày 22/2, lãi suất liên ngân hàng đã đạt đỉnh do tính mùa vụ, qua đó tạo áp lực lên thanh khoản ngắn hạn và đẩy lãi suất qua đêm lên đến 3,7%/năm. Tuy nhiên, ngay sau đó, lãi suất đã có xu hướng hạ nhiệt dần về cuối tháng và quay trở lại mặt bằng thấp.

Lãi suất qua đêm đã giảm điểm nhanh chóng và hiện đang giao dịch tại mức 0,8%/năm, giảm 78% so với mức đỉnh. Lãi suất tại các kỳ hạn ngắn từ 1 tháng trở xuống khác đồng thời giảm mạnh và hiện đang giao dịch trong khoảng 1,07%-2,06%/năm.

Như vậy, hiện tại riêng lãi suất VND qua đêm đã nằm thấp hơn nhiều so với lãi suất USD trên cùng thị trường (0,8%/năm so với 5,2%/năm). Điểm hoán đổi lãi suất trên thị trường này nếu để VND quá thấp so với USD sẽ gây bất lợi cho tỷ giá.

Một phản ứng thông thường, khi lãi suất VND nằm rất sâu so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng có thể găm giữ hoặc đẩy mạnh mua USD để cho vay có lãi suất cao hơn nhiều so với cho vay bằng VND. Phản ứng này góp phần làm mất cân đối cung-cầu ngoại tệ và làm căng thẳng tỷ giá.

Thực tế cũng cho thấy tỷ giá trong nước duy trì xu hướng tăng kể từ tháng 11/2023 và đặc biệt tăng nóng kể từ ngày 14/2. Tỷ giá liên ngân hàng đã tạo mức đỉnh lịch sử mới và hiện đang giao dịch tại 24.640 VND/USD, tăng khoảng 1,6% kể từ đầu năm. Tỷ giá trung tâm đang giao dịch lần lượt ở mức 23.966 VND/USD dù giảm nhẹ nhưng vẫn tăng 0,5% kể từ đầu năm.

Ngân hàng Nhà nước hút về 15.000 tỷ qua tín phiếu phiên 11/3 sau 4 tháng tạm ngưng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam dự báo tỷ giá cải thiện hơn vào nửa cuối 2024, đặc biệt khi đồng USD đạt đỉnh, kinh tế - tín dụng trong nước dần hồi phục.

"Tỷ giá USD/VND sẽ kết thúc năm ở vùng giá 24.400 đồng/USD," ông Khoa đưa ra dự báo.

Các chuyên viên phân tích từ Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng cho rằng áp lực tỷ giá được dự báo vẫn hiện hữu nhưng chưa phải mối nguy lớn. Theo đó, những dữ liệu kinh tế của Mỹ được công bố gần đây cho thấy xu hướng thiểu phát đang chững lại.

Còn xét các yếu tố trong nước, KBSV cho biết tỷ giá sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn ngoại tệ dồi dào đến từ FDI và kiều hối. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước được cho rằng sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, chấp nhận để tỷ giá tăng ở mức độ vừa phải và chưa có can thiệp nếu không có biến động bất thường khi lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và nền kinh tế cần tiếp tục được hỗ trợ phục hồi. KBSV dự báo tỷ giá tăng 1,5% trong năm nay, đạt mức 24.600 đồng/USD./.