Nhiều ý kiến khác nhau về thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp

Đại biểu Trần Quốc Tỏ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tham mưu Chính phủ tăng cường tuyên truyền các nội dung trong dự án Luật, tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi Luật được triển khai.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Kiên Giang thảo luận ở tổ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 31/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng."

Tăng cường tuyên truyền thực hiện Luật

Bày tỏ sự đồng tình với Tờ trình, Báo cáo thẩm tra, đại biểu Trần Quốc Tỏ (Bắc Ninh) cho rằng, dự án Luật nếu được Quốc hội thông qua và đi vào cuộc sống sẽ mang lại tác động rất tích cực.

Theo đại biểu, đây là Luật có tính nhạy cảm rất cao, đặc biệt có liên quan đến an ninh trật tự, các góc độ về thông tin, giám sát, phản biện xã hội... Đây là những nội dung rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, kích động, làm sai lệch đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Do đó, đại biểu Trần Quốc Tỏ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tham mưu Chính phủ tăng cường tuyên truyền các nội dung trong dự án Luật, tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi Luật được triển khai.

Về những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung “trừ những nội dung thông tin thuộc bí mật Nhà nước, hoặc chưa được công khai theo quy định của pháp luật” để tránh những phát sinh những vấn đề phức tạp, hiểu sai quy định trong quá trình thực hiện Luật.

Cần đánh giá, tổng kết, nghiên cứu thêm về dân chủ trong doanh nghiệp

Cho ý kiến về các quy định trong dự thảo Luật liên quan đến dân chủ trong các doanh nghiệp, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị cần có đánh giá, tổng kết và nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Theo đại biểu, dân chủ là khái niệm người dân với chính quyền. Dân làm chủ, cán bộ, công chức là "đầy tớ của dân" như Bác Hồ nói. Cán bộ, công chức được dân nộp thuế và trả lương.

Như vậy, dân chủ cơ sở áp dụng ở cấp xã phường thì hoàn toàn xác đáng, nhưng với doanh nghiệp lại không phù hợp. Bởi đây là mối quan hệ khác, chủ doanh nghiệp bỏ tiền thuê người lao động. "Với mối quan hệ này, nếu áp vào dân chủ ở cơ sở thì rất khiên cưỡng," đại biểu Trần Văn Lâm băn khoăn.

[Tránh tình trạng lạm dụng thu lợi trong bản quyền sở hữu trí tuệ]

Đại biểu cho rằng, việc thực hiện quy chế dân chủ ở doanh nghiệp là không hiệu quả, rất hình thức bởi bản chất là không phù hợp.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, nếu dự án Luật được thông qua thì mỗi doanh nghiệp sẽ thành lập tổ Thanh tra nhân dân. Như vậy, doanh nghiệp lại phải bỏ tiền để chuẩn bị cơ sở vật chất. Dự thảo Luật còn yêu cầu báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, trong khi nhiều khi đây là bí mật.

Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh thảo luận ở tổ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Cũng theo đại biểu Trần Văn Lâm, nếu Luật đưa vào thực tế có nguy cơ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp khi phải tổ chức thêm bộ máy "Thanh tra nhân dân" và rất nhiều sức ép về chi phí. Từ đó, môi trường đầu tư có thể kém đi.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) bày tỏ nhất trí với việc đưa nội dung thực hiện dân chủ ở khu vực doanh nghiệp vào dự thảo Luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong thực hiện. Trong đó, việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước; tổ chức Hội nghị người lao động, đối thoại trong các doanh nghiệp là những nội dung thể hiện rõ nét nhất về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định rõ việc giao Chính phủ hướng dẫn, quy định chi tiết ba nội dung trên, phù hợp với từng khu vực, đối tượng để làm căn cứ triển khai, thực hiện. Bởi, nội dung này tương đối rộng, nhiều đối tượng, liên quan trực tiếp đến quyền và trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động, tổ chức Công đoàn cơ sở.

Quy định rõ vai trò của các Ban thanh tra Nhân dân

Nhấn mạnh hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước hiện nay chưa phát huy được vai trò, hiệu quả trong kiểm tra, giám sát tại cơ sở, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, điều này là do địa vị pháp lý và cơ chế hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân không thể thực hiện được chức năng nhiệm vụ mà pháp luật đã quy định, khi Ban Thanh tra nhân dân giám sát người đứng đầu, nhưng lại phải thực hiện nhiệm vụ do người đứng đầu giao.

Do đó, đại biểu đề nghị xem xét có quy định để xử lý tình trạng này, đồng thời cân nhắc bổ sung quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bỏ phiếu đánh giá người đứng đầu sau khi thực hiện nội dung kiếm điểm, đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức hàng năm của đơn vị.

Cùng với đó, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở trong chỉ đạo hoạt động Ban Thanh tra nhân dân.

Cụ thể, phối hợp với người đứng đầu cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, hoặc Hội nghị người lao động, bầu Ban Thanh tra nhân dân; ra văn bản công nhận Ban Thanh tra nhân dân và thông báo cho cán bộ, công nhân, viên chức trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước; tổ chức cuộc họp của Ban Thanh tra nhân dân để Ban thanh tra nhân dân bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.../.

Việt Đức (TTXVN/Vietnam+)