Cần giải pháp mạnh mẽ để tăng hiệu quả xử lý các vụ bạo lực gia đình

Đa số các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, đặc biệt là đối tượng yếu thế như người già, trẻ em.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng - Đại biểu đoàn Kon Tum. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 31/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đa số các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, đặc biệt là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, ưu tiên nguyện vọng chính đáng của người bị bạo lực gia đình.

Các đại biểu đề nghị cần có giải pháp mạnh mẽ để tăng hiệu quả xử lý các vụ việc bạo lực gia đình.

Không nên "đèn nhà ai nhà nấy rạng"

Phát biểu tại tổ thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Kon Tum) cho biết bộ luật này rộng, liên quan đến tất cả các đối tượng, đặc biệt là những đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, người dân tộc thiểu số cũng có thể nói được. Khái niệm cũng rất rộng, bạo lực về thể xác, bạo lực tinh thần....

[Phòng, chống bạo lực gia đình: Vẫn còn nhiều khoảng trống]

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, cơ quan soạn thảo đã lựa chọn ra 18 hành vi được quy vào bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trong thực tiễn còn những hành vi nào có thể khu trú thành những biểu hiện cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn các đại biểu Quốc hội góp ý, nhất là vấn đề bạo lực tinh thần.

“Chúng ta cần góp ý hướng vào đối tượng yếu thế như trẻ em, người già, đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến yếu tố trách nhiệm của cộng đồng, con người. Nếu cứ “đèn nhà ai nấy rạng” thì không thể phòng chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, luật cần thiết kế thế nào để phát huy được vai trò xã hội hóa trong việc phòng, chống bạo lực gia đình,” Bộ trưởng chia sẻ.

Góp ý tại tổ thảo luận, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) nêu quan điểm mô hình xã hội Việt Nam cũng như mối quan hệ trong từng gia đình đã có sự thay đổi rất lớn, xuất hiện nhiều hành vi bạo lực gia đình ngày càng nghiêm trọng, khó xử lý. Có những vụ việc rất nghiêm trọng, thời gian xử lý lâu, mức phạt chưa bảo đảm đính răn đe. Có nhiều vụ bạo hành nghiêm trọng nhưng chỉ hòa giải, không bảo vệ được bản thân người bị bạo hành.

“Báo cáo của Chính phủ có đề cập số liệu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ, cứ 30 phụ nữ thì có một người bị bạo lực thể xác, tình dục. Trong số đó 90% là không dám, không muốn nhờ pháp luật xử lý. Số liệu như vậy rất đáng báo động, chúng ta cần nghiên cứu để có chế tài xử lý nghiêm minh hơn,” đại biểu Sinh cho biết.

Đại biểu đoàn An Giang đề nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã về việc xử lý các vụ việc bạo lực gia đình cũng như cần xem xét bổ sung thêm hành vi bạo lực gia đình như hành vi bạo lực tinh thần. Ngoài ra, luật cũng cần bổ sung thêm biện pháp lao động công ích đối với người có hành vi bạo lực gia đình.

Cần có quy định riêng trong phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Nhấn mạnh về việc bảo về trẻ em, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Hải Dương) cho biết trong thời gian qua, mặc dù công tác phòng chống bạo lực gia đình nói chung và bạo lực đối với trẻ em nói riêng đã được quan tâm chỉ đạo, cải thiện nhưng số lượng các vụ việc bạo lực đối với trẻ em trong môi trường gia đình vẫn còn ở mức cao và trong thời gian gần đây có nhiều vụ việc đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Đại biểu Quốc hội đoàn Hải Dương Nguyễn Thị Mai Thoa phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Do đó, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình là rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em trong tương lai cũng như xây dựng những gia đình văn hoá, gia đình không bạo lực trong tương lai.

Cũng theo đại biển Thoa, nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em là nguyên tắc xuyên suốt, được xác định trong các văn bản của Đảng cũng như đã được khẳng định trong Luật Trẻ em và cần được tiếp tục thể hiện trong luật này, không chỉ ở các nguyên tắc chung mà còn trong toàn bộ các quy định của dự thảo luật.

Trẻ em, trong phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng chống bạo lực gia đình là một trong những đối tượng yếu thế, là người bị bạo lực, có đặc điểm riêng là chưa phát triển hoàn thiện, sống phụ thuộc, khả năng tự bảo vệ và nhận thức về bạo lực gia đình còn hạn chế, còn yếu thế hơn những đối tượng yếu thế khác trong gia đình bao gồm phụ nữ, người già, người khuyết tật… nên cần được xác định là chủ thể đặc thù để có một nguyên tắc riêng.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đưa ra ví dụ về hành vi phát tán thông tin về đời tư của người bị bạo lực gia đình, Điều 3 dự thảo Luật quy định là hành vi truyền bá thông tin về nhân thân, chỗ ở, nơi làm việc của người bị bạo lực gia đình hoặc của người đại diện theo pháp luật của người đó. Tuy vậy, đối với các trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì các thông tin cần giữ kín không chỉ về nhân thân, chỗ ở mà còn là trường học, hình ảnh và các thông tin định danh liên quan khác của trẻ.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng dự luật cần có quy định riêng về đối tượng bị bạo lực gia đình là trẻ em. Để có cơ sở nhận biết nạn nhân bao lực gia đình, trong đó có trẻ em thì cần có quy định sàng lọc nạn nhân bị bạo lực gia đình tại các cơ sở y tế./.

Nhóm PV (Vietnam+)