Nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Nga-Việt

Trong 10 tháng đầu năm 2024, đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì với mức tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước; cả xuất khẩu và nhập khẩu từ Việt Nam đều tăng trưởng.

Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga, Phó Chủ tịch Phân ban Nga trong Ủy ban Liên Chính phủ Việt-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, ông Vladimir Ilichev, khẳng định mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nước tự tin thích ứng và khôi phục động lực phát triển.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Moskva trước thềm chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin tới Việt Nam, Thứ trưởng Ilichev cho biết, tính đến cuối năm 2023, Việt Nam và Nga ghi nhận sự gia tăng trong thương mại song phương, với mức tăng trưởng 8,3% so với năm 2022.

Trong 10 tháng đầu năm 2024, đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì với mức tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước; cả xuất khẩu và nhập khẩu từ Việt Nam đều tăng trưởng.

Ngoài ra, các tuyến hậu cần đa phương thức mới đã được triển khai giữa Nga và Việt Nam và thường xuyên được bổ sung những dịch vụ mới.

Cảng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trở thành các đầu mối vận tải cho các công ty Nga để tiếp tục giao hàng đến các quốc gia khác ở Đông Nam Á như Malaysia và Thái Lan.

Ông cũng nhấn mạnh sự phục hồi ổn định của thương mại dịch vụ giữa hai nước. Lượng khách du lịch từ Nga đến Việt Nam tăng 84,9% vào cuối năm 2024.

Đồng thời, sau khi Nga triển khai cơ chế cấp thị thực điện tử vào năm 2023, lượng khách du lịch từ Việt Nam đến Nga đã tăng đều đặn.

Cũng theo Thứ trưởng Ilichev, các liên doanh Việt - Nga tiếp tục hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Vietsovpetro đã kỷ niệm việc khai thác tấn dầu thứ 250 triệu trong năm 2024, trong khi Tập đoàn GAZ bắt đầu lắp ráp hàng loạt ô tô ở Việt Nam từ năm 2022.

Ngoài ra, còn có rất nhiều dự án đang được triển khai ở cả Việt Nam và Nga. Tại Việt Nam, dự án xây dựng Trung tâm Khoa học hạt nhân đang được triển khai theo kế hoạch.

Doanh nghiệp sữa TH True Milk đang xây dựng nhà máy tại 3 khu vực lớn của Nga (tỉnh Moskva, Kaluga, vùng Primorsky). Nhiều dự án trong lĩnh vực năng lượng đang trong giai đoạn triển khai tích cực.

Đánh giá tiềm năng hợp tác giữa hai nước, Thứ trưởng Ilichev nhận định sẽ có nhiều lĩnh vực và ngành công nghiệp thu hút các nhà đầu tư Nga như dược phẩm, mỹ phẩm hữu cơ và bánh kẹo cho Việt Nam.

Các thương hiệu quốc gia Made in Russia hiện đang hoạt động trên các nền tảng thương mại trực tuyến chính ở Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và Sendo).

Các công ty Nga cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng xanh và giao thông xanh, bao gồm các dự án trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, gió và thủy điện...

Bên cạnh đó, Nga sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực số hóa. Nga có năng lực cao trong lĩnh vực này và sẵn sàng chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm trong các lĩnh vực vệ tinh, thành phố thông minh và an toàn, giải pháp đám mây, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo Thứ trưởng Ilichev, kinh tế sáng tạo cũng có thể trở thành một lĩnh vực hợp tác hứa hẹn. Nga đã đặt mục tiêu tăng tỷ trọng của ngành này từ mức 3,5% hiện nay lên 6% GDP vào năm 2030.

Ông khẳng định Nga sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và những tiến bộ trong việc quản lý ngành, cũng như cung cấp cho Việt Nam các sản phẩm sáng tạo của Nga, như các sản phẩm hoạt hình-phim hoạt hình của Nga...

Cuối cùng, Thứ trưởng Ilichev đề xuất các cơ chế và chính sách nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, bao gồm việc hài hòa các tiêu chuẩn, giảm rào cản phi thuế quan và hỗ trợ các dự án chung.

Các nhóm làm việc mới như nhóm làm việc về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chăm sóc sức khỏe cũng đã được thành lập trong khuôn khổ Ủy ban liên chính phủ để thúc đẩy các sáng kiến chung./.