Giá vàng có thể tăng hơn nữa trong năm 2025
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và có thể đạt 3.000 USD/ounce vào năm 2025, đặc biệt nếu chính sách kinh tế của Mỹ trở nên "khắc nghiệt hơn" đối với thị trường.
Theo Global Times, năm ngoái, thị trường vàng toàn cầu đã ghi nhận hoạt động tốt nhất trong hơn một thập kỷ. Các nhà phân tích dự đoán sự phục hồi có thể kéo dài đến năm 2025, được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố tăng giá.
Đặc biệt, các ngân hàng trung ương, được dự kiến sẽ là những khách mua vàng lớn khi họ tìm cách đa dạng hóa dự trữ trong bối cảnh môi trường toàn cầu ngày càng phức tạp.
Sau khi phá vỡ mốc 2.000 USD/ounce vào đầu năm 2024, giá vàng đã thiết lập một loạt các mức cao nhất mọi thời đại, vượt qua mức 2.700 USD/ounce trong một thời gian ngắn. Trong tuần đầu tiên của năm 2025, giá vàng vẫn mạnh, dao động trên 2.600 USD/ounce.
Các ngân hàng đầu tư đã đưa ra những dự báo lạc quan về vàng.Nhà kinh tế trưởng Ming Ming của CITIC Securities cho biết, theo giả định trung lập, giá vàng tương lai tại Sàn COMEX có thể tăng lên 3.175 USD/ounce vào giữa năm 2025, với giá dự kiến dao động từ 3.000-3.250 USD/ounce trong cả năm.
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và có thể đạt 3.000 USD/ounce vào năm 2025, đặc biệt nếu chính sách kinh tế của Mỹ trở nên "khắc nghiệt hơn" đối với thị trường, theo CNBC.
Báo cáo Triển vọng Vàng 2025 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết sự tăng giá có thể đến từ nhu cầu mạnh hơn dự kiến của các ngân hàng trung ương hoặc từ tình hình tài chính xấu đi nhanh chóng dẫn đến dòng tiền chảy vào tài sản chất lượng.
Các yếu tố hỗ trợ thị trường
Theo chuyên gia Ming Ming, đầu tư vàng toàn cầu dự kiến sẽ vẫn mạnh mẽ vào năm 2025 và có thể thị trường châu Á giảm, trong khi châu Âu và Mỹ tăng.
Các nhà đầu tư châu Á nổi bật nhất trong việc mua vàng vào đầu năm 2024, nhưng nhu cầu thị trường có thể giảm dần khi kỳ vọng về nền kinh tế Trung Quốc được cải thiện.
Tuy nhiên, nhu cầu ngày càng tăng ở châu Âu có thể giúp thúc đẩy giá vàng tăng cao hơn trong năm nay khi triển vọng tăng trưởng kinh tế châu Âu ảm đạm, Sự tham gia tích cực hơn của nhà đầu tư châu Âu và Mỹ vào thị trường vàng cũng sẽ tác động đáng kể, chuyên gia này giải thích.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ dự kiến sẽ chậm lại vào năm 2025 và thị trường lao động có thể suy yếu. Tuy nhiên, chính sách giảm lạm phát dự kiến sẽ bị đình trệ và có thể gây thêm áp lực lạm phát.
Chiến lược gia vĩ mô Xu Ying tại Viện Orient Futures’s Derivatives phân tích rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải đối mặt với sự cân bằng giữa ổn định tăng trưởng kinh tế và chống lạm phát.
Trong khi đó, vấn đề nợ liên bang của Mỹ có thể không được khắc phục và thâm hụt ngân sách của nước này dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao.
Hơn nữa, chiến lược gia Xu cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn không chắc chắn vào năm 2025, kết hợp với căng thẳng địa chính trị đang diễn ra sẽ tiếp tục hỗ trợ xu hướng tăng của giá vàng.
Hơn nữa, theo chuyên gia Xu việc mua vàng của các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ duy trì đà tăng khi thị trường toàn cầu cho thấy không gian để tăng dự trữ vàng. Do đó, vai trò chiến lược của vàng như một tài sản quan trọng vẫn đảm bảo.
Đa dạng hóa dự trữ
Dự trữ vàng vẫn rất quan trọng đối với các quốc gia đa dạng hóa dự trữ ngoại hối. Trong số các ngân hàng trung ương toàn cầu, Trung Quốc, Ba Lan, Singapore và các nước khác đã dẫn đầu trong việc mua vàng trong những năm gần đây.
Các ngân hàng trung ương đã bổ sung 1.037 tấn vàng vào năm 2023, mức mua hàng năm cao thứ hai trong lịch sử, sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là 1.082 tấn vào năm 2022.
Theo số liệu của WGC, Ba Lan đã tăng 42,33 tấn vàng trong quý 3/2024, tiếp theo là Hungary với 15,52 tấn và Ấn Độ với 12,88 tấn.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã tiếp tục mua vàng vào tháng 11/2024 sau khi tạm dừng sáu tháng. Dự trữ vàng chính thức của Trung Quốc đã đạt 72,96 triệu ounce vào cuối tháng 11/2024, tăng 160.000 ounce so với tháng 10, theo số liệu chính thức.
Chuyên gia Ming cho rằng việc mua vàng của các ngân hàng trung ương vẫn là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến thị trường vàng và việc mua vàng quy mô lớn của họ dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2025.
Theo chuyên gia này, khi quá trình phi toàn cầu hóa gia tăng và căng thẳng địa chính trị leo thang, các ngân hàng trung ương ở một số quốc gia có thể tiếp tục tăng dự trữ vàng trong ngắn hạn và dài hạn, hoặc là phi đô la hóa hoặc phòng ngừa rủi ro phi đô la hóa.
Giáo sư Xi Junyang tại Đại học Tài chính và kinh tế Thượng Hải cho rằng phi đô la hóa không phải là một xu hướng mới, nhưng nó đã thu được sức hút trong những năm gần đây.
Khi Mỹ tiếp tục áp đặt trừng phạt và gia tăng sức ép lên các nước khác, ngày càng có nhiều nước nhận thấy những rủi ro của việc quá phụ thuộc vào tài sản bằng đồng USD.
Giáo sư này lưu ý rằng mặc dù đây sẽ là một quá trình lâu dài nhưng xu hướng phi đô la hóa này dự kiến sẽ không thể đảo ngược trong thời gian tới.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân, các nhà phân tích nhấn mạnh rằng với giá vàng hiện đang ở mức cao lịch sử và biến động giá vẫn không thể đoán trước, các nhà đầu tư cần phải có hiểu biết sâu sắc về động lực thị trường.
Từ quan điểm đầu tư thận trọng, các nhà đầu tư nên cân bằng bằng cách đa dạng hóa danh mục đầu tư, điều chỉnh nhịp độ đầu tư một cách thận trọng và cảnh giác với rủi ro biến động thị trường./.