Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau báo cáo việc làm tích cực

Chứng khoán Mỹ đã ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp, trước đó, ba chỉ số chính trên Phố Wall đã có những biến động trái chiều trong ba phiên giao dịch tuần này.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 10/1, trong đó chỉ số S&P 500 xóa sạch mức tăng kể từ đầu năm 2025 đến nay, sau khi báo cáo việc làm tích cực của Mỹ làm dấy lên lo ngại về lạm phát, củng cố dự đoán cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất trong năm 2025.

Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,63%, hay 696,75 điểm, xuống 41.938,45 điểm. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 mất 1,54%, tương đương 91,21 điểm, xuống 5.827,04 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,63%, tương đương 317,25 điểm, xuống 19.161,63 điểm.

Chỉ số Russell 2000, gồm những cổ phiếu của các công ty vốn hóa nhỏ trong nước, cũng giảm 2,27%. Chỉ số này đã rơi vào vùng điều chỉnh khi đã giảm 10,4% so với mức cao nhất vào ngày 25/11.

Như vậy, chứng khoán Mỹ đã ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp. Trước đó ba chỉ số chính trên Phố Wall đã có những biến động trái chiều trong ba phiên giao dịch tuần này.

Phiên 6/1, chỉ số Nasdaq và S&P 500 đạt mức cao nhất trong hơn một tuần nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu bán dẫn và báo cáo cho rằng chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể áp dụng chính sách thuế quan mềm mỏng hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, chỉ số Dow Jones lại diễn biến theo chiều ngược lại.

Sau đó, những lo ngại về lạm phát và đà tăng của lợi suất trái phiếu đã kéo thị trường chứng khoán Phố Wall đi xuống trong phiên giao dịch 7/1.

Đến phiên 8/1, thị trường hồi phục nhẹ, Dow Jones và S&P 500 tăng điểm nhưng Nasdaq vẫn giảm, trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về chính sách thuế quan của ông Trump và đường hướng chính sách của Fed. Thị trường Mỹ đóng cửa vào ngày 9/1 để tưởng niệm cố Tổng thống Jimmy Carter.

Báo cáo mới đây của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tăng trưởng việc làm của nước này đã bất ngờ tăng tốc trong tháng 12/2024, giúp thị trường lao động kết thúc năm 2024 với nền tảng vững chắc và củng cố lập trường thận trọng của Fed trong việc chậm lại tốc độ cắt giảm lãi suất trong năm 2025.

Lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng trưởng 256.000 việc làm trong tháng 12/2024, cao hơn mức tăng dự báo được nhiều nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đưa ra trước đó là 160.000 việc làm. Số liệu tăng trưởng việc làm tháng 11/2024 cũng được điều chỉnh với mức tăng 212.000 việc làm.

Tăng trưởng việc làm mạnh hơn dự đoán có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, kéo theo giá cả tăng. Để kiềm chế lạm phát vẫn đang ở mức cao, Fed có thể buộc phải có lập trường thận trọng hơn về việc cắt giảm lãi suất trong năm 2025.

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ tại Washington DC. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch dự đoán lần hạ lãi suất tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào tháng 6/2025, và sau đó ngân hàng này sẽ giữ nguyên lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2025.

Những lo ngại mới về lạm phát đã buộc Fed phải đưa ra dự báo thận trọng về việc nới lỏng tiền tệ vào tháng trước. Ngân hàng này dự đoán sẽ có những thay đổi chính sách về thương mại và nhập cư dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, người dự kiến sẽ nhậm chức trong tháng 1/2025.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee, cho biết không có bằng chứng nào cho thấy nền kinh tế đang nóng trở lại, và ông vẫn kỳ vọng việc hạ lãi suất hơn nữa là phù hợp.

Trong khi đó, Thống đốc Fed Michelle Bowman mới đây cho hay bà vẫn thấy những rủi ro lạm phát kéo dài và các nhà hoạch định chính sách cần thận trọng khi tiếp tục cắt giảm lãi suất.

Phát biểu trong một sự kiện với Hiệp hội Ngân hàng bang California, bà Michelle Bowman cho rằng tốc độ lạm phát đã giảm mạnh vào năm 2023, nhưng tiến trình này có vẻ đã bị đình trệ vào năm ngoái khi lạm phát lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm) vẫn còn cao hơn mục tiêu 2% của Fed. Vì vậy, quan chức này vẫn ủng hộ phương pháp tiếp cận thận trọng và dần dần trong việc điều chỉnh chính sách.

Thống đốc Fed Michelle Bowman đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về lạm phát và cho rằng chính sách hiện tại của Fed có thể không có tác dụng kiềm chế đáng kể đối với nền kinh tế.

Bà tỏ ý ủng hộ quyết định của Fed trong việc giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 12/2024 vì đó là “bước cuối cùng trong giai đoạn điều chỉnh chính sách” để phản ánh sự giảm nhiệt của lạm phát và thị trường lao động.

Quan chức này cho rằng nền kinh tế Mỹ đã có sự tăng trưởng vững chắc và mô tả thị trường lao động gần đạt trạng thái toàn dụng nhân lực.

Phiên này, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm chạm mốc 5% - mức cao nhất kể từ tháng 11/2023, nhưng sau đó đã giảm nhẹ xuống 4,966%. Diễn biến này cũng gây áp lực lên chứng khoán.

Ngoài ra, trong diễn biến làm gia tăng tâm lý ảm đạm trên thị trường, một cuộc khảo sát của Đại học Michigan cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm tháng Một so với tháng trước.

Ông Bryant VanCronkhite, quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại công ty quản lý tài sản toàn cầu Allspring, dự đoán thị trường sẽ giảm điểm đáng kể, vì Fed có khả năng sẽ không chỉ không giảm lãi suất, mà còn tăng lãi suất.

Tương tự, nhận định về tác động của dữ liệu việc làm khả quan hơn dự đoán của Mỹ lên thị trường chứng khoán, ông Sam Stovall, chiến lược gia thị trường tại CFRA Research, cho rằng thị trường đã “khởi đầu năm mới không thuận lợi” và môi trường đầu tư chứng khoán có thể trở nên "khá thách thức"./.