Dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11%

Năm 2024 trong bối cảnh nhiều ngân hàng giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu thì Agribank tăng 1,2% so với đầu năm ở mức 131,1%, tạo bộ đệm dày dặn hơn giúp ngân hàng chủ động ứng phó khi rủi ro phát sinh.

Năm 2024, hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do tác động của biến động địa chính trị thế giới, thiên tai, bão lũ trong nước… Agribank vẫn duy trì ổn định và phát triển hoạt động kinh doanh, hỗ trợ có hiệu quả để người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giữ ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ.

Năm 2024, Agribank hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước giao, kết quả đạt cao nhất sau 04 năm triển khai Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

Kết thúc năm 2024, tổng tài sản của Agribank đạt 2,2 triệu tỷ đồng, tăng gần 10%; nguồn vốn đạt trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 7,6%; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11%, trong đó 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển "Tam nông," chú trọng dành nguồn vốn phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, phát triển công nghiệp, kinh doanh bất động sản, hoạt động tiêu dùng, dịch vụ…

Đến năm 2024, Agribank được cấp bổ sung đủ 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ từ ngân sách Nhà nước theo kế hoạch, nâng tổng vốn điều lệ lên 51.600 tỷ đồng, góp phần nâng cao năng lực tài chính, tạo tiền đề phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Song song tăng trưởng tín dụng, Agribank đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các giải pháp kiểm soát, xử lý thu hồi nợ xấu. Đến 31/12/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng theo Thông tư 31 là 1,55%, giảm 0,17% so đầu năm thấp hơn kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao (dưới 2%). Đáng chú ý trong bối cảnh nhiều ngân hàng giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu thì Agribank tăng 1,2% so với đầu năm ở mức 131,1%, tạo bộ đệm dày dặn hơn giúp ngân hàng chủ động ứng phó khi rủi ro phát sinh.

Agribank tiếp tục triển khai hiệu quả 07 chương trình tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Agribank thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất cho vay, nghiêm túc công khai lãi suất theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; triển khai 17 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất với tổng quy mô 457.000tỷ đồng đối với các đối tượng khách hàng. Theo đó, tăng trưởng tín dụng năm 2024 cao hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng năm 2023.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank luôn phát huy trách nhiệm xã hội của “Ngân hàng vì cộng đồng.” Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, từ nguồn tài chính và sự hưởng ứng của gần 4 vạn cán bộ, người lao động toàn hệ thống, năm 2024, Agribank ủng hộ gần 700 tỷ đồng triển khai các hoạt động an sinh xã hội, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, y tế; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; xóa đói giảm nghèo; đền ơn đáp nghĩa; khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ…

Trước ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 và mưa lũ lịch sử, Agribank chủ động ứng trực, đảm bảo hoạt động thông suốt, kịp thời nắm bắt tình hình, triển khai các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới, cùng ngành Ngân hàng và hệ thống chính trị nhanh chóng hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp, người dân ổn định cuộc sống, tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Toàn Vượng - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Agribank cho biết toàn hệ thống xác định năm 2025 là năm tăng tốc, về đích và đột phá, có ý nghĩa quyết định thực hiện thành công phương án cơ cấu lại Agribank gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, Đề án chiến lược phát triển Agribank đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Agribank lần thứ XI nhiệm kỳ 2025-2030./.