Nhật Bản quyết tâm ngăn chặn biến động ngoại hối quá mức
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno thông báo chính phủ sẽ thực hiện các bước thích hợp chống lại biến động ngoại hối quá mức và không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào.
Nhật Bản sẽ không loại trừ bất kỳ phương án nào để ngăn tình trạng người dân bán tháo đồng yen để mua đồng USD. Tuyên bố trên được ông Masato Kanda, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản phụ trách vấn đề quốc tế, đưa ra ngày 16/9.
Trước đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cũng thông báo chính phủ sẽ thực hiện các bước thích hợp chống lại biến động ngoại hối quá mức và không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào.
Lần lần nhất chính quyền Nhật Bản can thiệp để hỗ trợ đồng yen là vào tháng 10/2022. Thời điểm đó, giới chức sử dụng các cụm từ như "quan ngại sâu sắc" và cam kết thực hiện "các bước quyết định" trước khi can thiệp. Do đó, có thể thấy các tuyên bố mới của giới chức Nhật Bản đã mạnh mẽ hơn so với những lần trước đây.
Ông Satoshi Takase, chuyên gia kinh tế thị trường tại công ty Mizuho Securities, cho biết: "Sự can thiệp một lần hay còn gọi là hoạt động giảm nhẹ nhằm điều chỉnh sự biến động ngắn hạn được cho phép, là tuân theo các quy tắc quốc tế."
[Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể chấm dứt chính sách lãi suất âm]
Theo chuyên gia này, mức 150 yen đổi 1 USD có thể là giới hạn cuối cùng và sau đó chính phủ sẽ can thiệp.
Vài tháng qua, đồng yen chịu sức ép so với USD khi chính sách lãi suất của Mỹ và Nhật Bản ngược nhau. Trong khi Mỹ liên tiếp nâng lãi suất để ghìm lạm phát, Nhật Bản vẫn giữ nguyên lãi suất âm.
Việc này khiến nhà đầu tư bán yen để chuyển sang các kênh khác cho lợi nhuận cao hơn. Nhiều người cho rằng sự điều chỉnh của BOJ sẽ thu hẹp khoảng cách và thúc đẩy tiêu dùng./.