Chuỗi siêu thị Carrefour dán nhãn cảnh báo các sản phẩm “thu nhỏ"
Kể từ ngày 11/9, Carrefour đã dán nhãn 26 sản phẩm giảm kích thước nhưng giá thành cao hơn dù giá nguyên liệu thô đã giảm. Hoạt động này diễn ra trong các siêu thị Carrefour nằm tại Pháp.
Chuỗi siêu thị Carrefour của Pháp đã đưa ra cảnh báo về giá đối với các sản phẩm từ chocolate Lindt đến trà đá Lipton nhằm gây áp lực buộc các nhà cung cấp như Nestlé, PepsiCo và Unilever phải giảm giá.
Theo đó, kể từ ngày 11/9, Carrefour đã dán nhãn 26 sản phẩm mà đã giảm kích thước nhưng giá thành cao hơn dù giá nguyên liệu thô đã giảm trong các siêu thị của mình ở Pháp.
Chẳng hạn như Carrefour cho biết một chai trà đá Lipton hương đào không đường do PepsiCo sản xuất đã giảm từ 1,5 lít xuống còn 1,25 lít, dẫn đến giá mỗi lít tăng 40%. Trọng lượng sữa bột dành cho trẻ sơ sinh Guigoz do Nestlé sản xuất đã giảm từ 900 gam xuống 830 gam, trong khi bánh kem Viennetta của Unilever giảm từ 350 gam xuống 320 gam.
Giám đốc truyền thông khách hàng tại Carrefour, Stefen Bompais, cho biết việc dán nhãn những sản phẩm này là nhằm yêu cầu các nhà sản xuất xem xét lại chính sách giá của mình.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Carrefour Alexandre Bompard, người cũng đứng đầu nhóm vận động hành lang ngành bán lẻ Pháp FDC, đã nhiều lần cho biết các công ty hàng tiêu dùng không hợp tác trong nỗ lực giảm giá hàng nghìn mặt hàng chủ lực mặc dù giá nguyên liệu thô giảm.
Động thái trên của Carrefour diễn ra giữa bối cảnh hồi tháng 6/2023, Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire đã triệu tập 75 nhà bán lẻ và nhóm người tiêu dùng lớn đến Bộ để thúc giục họ giảm giá. Sau lần gặp mặt mới nhất trong tháng 8/2023, Bộ trưởng Le Maire cho biết Unilever, Nestlé và PepsiCo nằm trong số những công ty không quan tâm đến vấn đề giá cả.
[Gạo Việt Nam tiếp tục đổ bộ vào chuỗi siêu thị Carrefour của Pháp]
Các nhóm người tiêu dùng cho rằng “lạm phát dẫn tới việc các nhà sản xuất giảm kích thước và khối lượng sản phẩm” là một hiện tượng phổ biến mà các siêu thị như Carrefour cũng mắc phải trong các sản phẩm nhãn hiệu riêng của họ.
Pháp, giống như các nước châu Âu khác, trong nhiều tháng đã cố gắng giảm bớt gánh nặng của người tiêu dùng trước tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao, buộc các doanh nghiệp lớn phải đóng băng hoặc giảm giá thực phẩm và cước vận tải, với nhiều kết quả khác nhau.
Ông Bompais cho biết việc dán nhãn sẽ được áp dụng tại tất cả các cửa hàng Carrefour ở Pháp và sẽ kéo dài cho đến khi các nhà cung cấp đồng ý giảm giá. Nhà bán lẻ này có thể mở rộng cảnh báo sang các hàng hóa khác, nhưng không có kế hoạch thực hiện điều này ở các quốc gia khác./.