Nhật Bản điều chỉnh quy định thu hồi quyền thường trú của người nước ngoài
Việc sửa đổi nhằm yêu cầu thường trú nhân nước ngoài phải tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu của Nhật Bản với tư cách là người hưởng chế độ an sinh xã hội của quốc gia.
Nhật Bản sẽ xem xét thu hồi giấy phép thường trú của những người nước ngoài liên tục không nộp thuế và phí bảo hiểm xã hội.
Thông tin này được các quan chức chính phủ công bố vào cuối tuần trước.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch trình lên kỳ họp hiện tại của Quốc hội một dự luật để sửa đổi các luật liên quan đến hệ thống giấy phép thường trú.
Việc sửa đổi nhằm yêu cầu thường trú nhân nước ngoài phải tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu của Nhật Bản với tư cách là người hưởng chế độ an sinh xã hội của quốc gia.
Để có được quyền thường trú, về nguyên tắc, người nộp đơn cần phải sống ở Nhật Bản ít nhất 10 năm với 5 năm làm việc.
Thông thường, yêu cầu là họ chưa bị bỏ tù hoặc bị phạt và phải hoàn thành các nghĩa vụ chính thức như đóng thuế và đóng góp an sinh xã hội.
Tuy nhiên, theo hệ thống hiện tại, một khi giấy phép đã được cấp thì chúng không thể bị hủy bỏ trừ trường hợp cung cấp thông tin sai lệch trong quá trình nộp đơn.
Theo kế hoạch sửa đổi pháp lý, một cư dân nước ngoài bị thu hồi giấy phép thường trú sẽ được cấp lại quy chế cư trú mà họ từng có trước thời điểm được cấp quy chế thường trú.
Theo Tổng Cục quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản, quốc gia này có khoảng 880.000 cư dân nước ngoài có giấy phép thường trú tính đến cuối tháng 6/2023, chiếm 27% tổng số người nước ngoài có một tư cách lưu trú tại Nhật Bản.
Con số này đã tăng hơn 200.000 giấy phép trong thập kỷ qua, là con số lớn nhất trong tất cả các loại thị thực cư trú.
Bộ trưởng Tư pháp Ryuji Koizumi cho biết: “Về lâu dài, toàn bộ xã hội Nhật Bản sẽ không thể chấp nhận thường trú nhân nước ngoài nếu sự hiện diện quá mức của cư dân không được giám sát.” Vì vậy, sự thay đổi theo kế hoạch nói trên "sẽ giúp gia tăng số người nước ngoài được chấp nhận lưu trú tại Nhật Bản trung và dài hạn."
Cũng trong tuần trước, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định giới thiệu một hệ thống mới thay thế Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật cho người lao động nước ngoài.
Để bảo vệ quyền lợi của người nước ngoài, chính phủ sẽ tạo điều kiện cho hệ thống mới cho phép những người lao động này chuyển đổi đơn vị sử dụng lao động sau 1-2 năm, tùy thuộc vào ngành nghề.
Hệ thống mới cũng sẽ giúp người lao động nước ngoài dễ dàng nâng cấp thị thực thực tập sinh kỹ thuật của họ lên thị thực công nhân lành nghề “Kỹ năng đặc định 1.”
Khi lao động nước ngoài có thị thực loại 1 tiếp tục vượt qua các kỳ thi và các yêu cầu khác, họ có thể được cấp thị thực công nhân tay nghề cao “Kỹ năng đặc định 2,” tức là lao động nước ngoài được coi là có kỹ năng chuyên môn.
Thị thực loại 2 cho phép người sở hữu thị thực này đem theo các thành viên gia đình của họ đi cùng sang Nhật Bản, đồng thời giảm yêu cầu gia hạn tình trạng cư trú của họ và có thể nộp đơn xin thường trú.
Tuy nhiên, hiện vẫn có sự phản đối mạnh mẽ đối với hệ thống mới vì sự gia tăng số lượng lao động nước ngoài được chấp nhận theo hệ thống này có thể sẽ là những người có thị thực loại 2, nghĩa là chính phủ sẽ phải chuẩn bị cho tình huống nhiều thành viên gia đình hơn đến Nhật Bản cùng với người lao động./.