"Nhà & Người": Họa sỹ Lê Thiết Cương đưa người đọc 'xuyên Việt' bằng chữ nghĩa
Với tản văn "Nhà & Người," họa sỹ Lê Thiết Cương viết về ngôi nhà của nhiều văn nghệ sỹ, nhiều vùng đất ông từng đi qua, từ đó nói đến chuyện người cũng là chuyện của một thời.
Ngày 8/8, Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Liên Việt giới thiệu cuốn sách “Nhà & Người,” tập hợp gần 60 bài viết của họa sỹ Lê Thiết Cương trong hơn 20 năm qua.
Như tên gọi cuốn sách, qua chuyện nhà cửa, họa sỹ Lê Thiết Cương muốn nói đến chuyện người, chuyện gia cảnh, từ nhà thấy người, từ người thấy nhà.
"Chỉ có nết người mới tạo ra được nếp nhà. Thêm nữa, chuyện nhà, chuyện người cũng là chuyện của một thời. Một bộ bàn ghế, một bức tranh, một kiểu nhà hoặc cách bày biện trong nhà đều có dấu ấn của thời gian. Mỗi thời mỗi khác," họa sỹ chia sẻ.
Một phần nữa là chuyện đất, những vùng đất mà họa sỹ Lê Thiết Cương đã đi qua, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Lạt, Sa Pa và Hà Nội nơi sinh ra ông, một vài làng cổ ở Bắc bộ, một ngôi chùa, một nhà thờ ngoài đê sông Hồng… Cũng như chuyện nhà, chuyện đất cũng là chuyện người.
“Viết về kiến trúc, trang trí nhà cửa, phong cảnh vùng miền nhưng những chuyện ấy chỉ là cái vỏ, lõi của nó là chuyện người. Đất, nhà và người suy cho cùng là một. Thử hỏi có chuyện gì trong đời mà chẳng là chuyện người, chuyện gì thì cũng phải lấy những giá trị người làm căn bản,” họa sỹ Lê Thiết Cương bộc bạch.
Với ý tưởng ấy, họa sỹ Lê Thiết Cương viết về ngôi nhà của nhiều văn nghệ sỹ như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhạc sỹ Phú Quang, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn Đào Trọng Khánh…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét cuốn sách này viết về một không gian mà ai cũng đã sống trong đó từ khi sinh ra nhưng lại không phát hiện ra những vẻ đẹp, những bí mật trong không gian đó.
“Phát hiện ra ‘nhà’ là phát hiện ra ‘người’ và ngược lại. Những vẻ đẹp của ‘nhà’ và ‘người’ đã làm nên vẻ đẹp của văn hoá Việt. Tôi nhận thấy chúng ta đã đánh mất đi quá nhiều vẻ đẹp văn hoá Việt dù chúng ta đang sống trong chính những vẻ đẹp đó,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Theo ông Thiều, họa sỹ Lê Thiết Cương đã có những tản văn tuyệt đẹp về ngôn ngữ, về hình ảnh, về không khí và một cảm xúc đầy tính huyền ảo bao trùm cùng những phát hiện chưa ai từng biết. Họa sỹ đã mở cánh cửa những ngôi nhà Việt và mở ra một thế giới tâm hồn tinh tế, thẳm sâu của người Việt.
“Đấy là những cánh cửa bị khóa kín lâu nay. Lê Thiết Cương đã tìm thấy chìa khoá và lặng lẽ mở những cánh cửa đó,” ông Thiều cảm khái.
Nhận định về tác phẩm, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha cho hay tản văn của Lê Thiết Cương có giai điệu văn xuôi khác biệt, một giai điệu đẹp, một cách kể mà không kể, lúc nồng ấm, lúc thoáng lạnh.
“Đóng góp của Cương với tản văn là anh đã ‘văn xuôi hóa’ bao đúc rút văn hóa để đưa vào trang viết của mình. Phần văn xuôi ấy thường được để sau một đoạn kể ngắn. Nó như cách về các trung âm hoặc át âm sau một câu nhạc. Giai điệu thì cổ điển, nhưng cách dẫn dắt câu này sang câu khác lại rất hiện đại,” nhạc sỹ Thụy Kha nhận xét.
Theo ông, tản văn của họa sỹ Lê Thiết Cương đưa người đọc đi một chuyến du lịch xuyên Việt bằng chữ nghĩa: “Thật thích thú khi Cương viết ‘Hà Nội là cục nam châm hút tinh hoa mọi miền. Cái riêng của Hà Nội là riêng của nhiều chung. Sài Gòn không là cục nam châm. Chất cởi mở, phóng khoáng, bộc trực của người Sài Gòn làm cho mọi người ở khắp nơi tự đến với Sài Gòn.’ Cũng trong cuốn sách này, Cương đưa ra những nhận định: ‘Người Hà Nội là người của đô thị trong sông, người Huế là người của đô thị vườn, người Sài Gòn là người của đô thị kênh rạch,” ông Thụy Kha bình luận.
Đây là cuốn đầu tiên trong một bộ 3 tản văn của họa sỹ Lê Thiết Cương, tiếp theo sẽ là cuốn “Trò chuyện với hội họa” và “Trong hạt thóc có hạt gạo” tập hợp những bài viết về văn hóa Việt./.