'Bản hùng ca bất diệt': Tái hiện không khí bi hùng nơi chiến trường Quảng Trị
Chương trình thể hiện sự thành kính của thế hệ hôm nay dâng lên thế hệ cha, anh đi trước. Khúc tráng ca về dòng sông hoa lửa, về thành cổ linh thiêng sẽ mãi lắng đọng trong tâm trí người Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt" sẽ diễn ra từ 20h10, ngày 11/8, được tường thuật trực tiếp tại 2 điểm cầu: Khu Di tích lịch sử đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và bến thả hoa đăng sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị).
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động tri ân, đền ơn, đáp nghĩa năm 2024 và Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (1954-2024).
Đây là sự kiện thường niên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức nhằm tri ân công ơn các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, góp phần tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng và trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ đối với quê hương đất nước.
Nối tiếp thành công của những năm trước, chương trình "Bản hùng ca bất diệt" năm 2024 là một trong những hoạt động đặc biệt và ý nghĩa nằm trong khuôn khổ Chương trình "Ước nguyện Hòa bình" của Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 lần đầu tiên tổ chức tại tỉnh Quảng Trị.
Cung cấp thông tin cho báo chí ngày 7/8, Ban Tổ chức cho biết chương trình có sự tham gia biểu diễn của các ca sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng: Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ, nghệ sỹ Thanh Thanh Hiền, ca sỹ Tùng Dương, Anh Thơ, Trọng Tấn, Đăng Dương, Dương Hoàng Yến, Phạm Khánh Ngọc, Viết Danh, Nhóm OPlus…, các cựu chiến binh, các em thiếu nhi với những ca khúc cách mạng bất hủ vang trong màn đêm thành cổ sẽ làm sống lại những năm tháng gian khó và rất đỗi hào hùng của dân tộc.
Nội dung của chương trình được kết hợp giữa các gam màu nghệ thuật truyền thống với kỹ thuật sân khấu, thiết kế, dàn dựng hiện đại, vừa đảm bảo tính chính trị, vừa đảm bảo tính nghệ thuật với 3 chương: "Mãi mãi tuổi hai mươi;" "Viết nên huyền thoại;" "Vang mãi khúc quân hành."
Chương 1 mở đầu với phóng sự “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu” tái hiện lại thời kỳ lịch sử với những thanh niên ưu tú của đất nước ở tuổi mười tám, đôi mươi đã gác lại những ước mơ và những hoài bão, xếp bút nghiên rời giảng đường đại học theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Họ lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại những chiến trường ác liệt, những “tọa độ chết,” trong đó biết bao tinh hoa, anh tài của đất nước đã hy sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Chương này có các tiết mục: Hoạt cảnh “Tổ quốc gọi-Huyền thoại vùng đất lửa,” “Cỏ non thành cổ-Lời ru cỏ non,” phóng sự “Những lá thư thời chiến,” tiết mục “Mùa Xuân-Miền xa thẳm.”
Chương 2 là câu chuyện về những người mẹ tiễn các con lên đường ra trận mang theo biết bao tâm tình gửi gắm và cả những người mẹ đã chăm lo từng ngụm nước, chăm sóc các chiến sỹ khi ốm đau trên đường hành quân. Các anh ra đi mang theo tình mẹ nơi hậu phương.
Chương này gồm các tác phẩm: “Tháng Bảy lại về,” “Những bước chân thầm lặng,” “Tổ quốc ở Trường Sa,” giao hưởng “Dòng sông linh thiêng.”
Chương 3 là xúc cảm của ngày hôm nay, của Quảng Trị nói riêng, Việt Nam nói chung đang vươn mình mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trở thành biểu tượng của những giá trị nhân văn cao đẹp, lương tri và hòa bình thế giới, thể hiện qua các tác phẩm “Người là niềm tin tất thắng,” “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam,” “Có một mái đầu tóc bạc,” “Việt Nam,” “Lá cờ Đảng.”./.