Nguồn cung hạn chế, giá càphê, hồ tiêu vẫn tiếp tục tăng giá
Giá càphê trong nước liên tiếp thiết lập những kỷ lục mới và sắp tiến sát 100.000 đồng/kg, trong khi giá hồ tiêu chủ yếu tăng từ 500-2.000 đồng/kg, trung bình từ 92.000-95.000 đồng/kg.
Chưa thấy những tín hiệu quay đầu giảm, giá hồ tiêu và càphê vẫn tiếp tục đi lên khi nguồn cung cung ứng ra thị trường hạn chế. Xuất khẩu hai sản phẩm này cũng có sự tăng trưởng khá tốt.
Giá càphê trong nước liên tiếp thiết lập những kỷ lục mới và sắp tiến sát 100.000 đồng/kg. Hiện giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 98.600 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 98.700 đồng/kg.
Cụ thể, giá càphê thu mua tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum ở mức giá 98.600 đồng/kg; tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, càphê được thu mua với giá 98.100 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Lắk; ở huyện Cư M'gar càphê được thu mua ở mức khoảng 98.500 đồng/kg, còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 98.600 đồng/kg.
Quý 1/2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng gần 600.000 tấn càphê với kim ngạch khoảng 1,9 tỷ USD, chỉ tăng trên 3% về số lượng nhưng tăng trên 54% về kim ngạch xuất khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, càphê đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 2 trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ đứng sau nhóm hàng gỗ và đã vượt qua cả thủy sản.
Nguyên nhân bởi giá cà phê tăng 43,5% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt trung bình 3.181 USD/tấn.
Giá càphê xuất khẩu tăng nhưng càphê Việt Nam đã cạn dần, tồn trong kho không nhiều.
Hiệp hội Càphê-Cacao Việt Nam (Vicofa) cho biết lượng càphê xuất khẩu trong niên vụ 2023-2024 của Việt Nam ước tính giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,336 triệu tấn.
Các thị trường xuất khẩu càphê hàng đầu của Việt Nam thời gian qua vẫn là EU, Nhật Bản, Mỹ, Nga…, trong đó, EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu càphê lớn nhất của Việt Nam.
Còn đối với hồ tiêu, theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hạt tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), 16 ngày đầu tháng 3/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 12.368 tấn hồ tiêu; trong đó, tiêu đen đạt 10.518 tấn, tiêu trắng đạt 1.850 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 53 triệu USD.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của nước ta đạt ngưỡng 4.022 USD/tấn, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện giá hồ tiêu trung bình ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ từ 92.000-95.000 đồng/kg.
Riêng trong tháng 3/2024, hồ tiêu trong nước chủ yếu tăng, trung bình từ 500-2.000 đồng/kg; trong đó, Bình Phước tăng 500 đồng; Bà Rịa Vũng Tàu tăng mạnh 1.500 đồng; Đắk Lắk và Đắk Nông tăng tới 2.000 đồng.
Trước tình hình giá hồ tiêu tăng mạnh, đặc biệt từ tháng 12/2023, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hạt tiêu và Cây gia vị Việt Nam chỉ ra nguyên nhân: thiếu hụt tồn kho; thị trường Mỹ bất ngờ cho thấy sức tiêu thụ mạnh trong 3 tháng cuối năm, đặc biệt là tháng 12.
Cùng với đó, mùa thu hoạch muộn ở Đắk Nông. Nguồn cung tạm thời bị thiếu hụt, dẫn đến giá trong nước tăng.
Hiện nhiều địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2023-2024, song với giá hồ tiêu chưa có tín hiệu quay đầu nên nông dân cũng hạn chế bán ra.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Công ty Prosi Thăng Long cho biết từ năm 2023, xuất khẩu hồ tiêu đã có sự tăng trưởng đột biến. Giá hồ tiêu trong nước cũng tăng cao từ tháng 12/2023.
Năm 2024, nhiều nông dân, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ là năm tươi sáng cho xuất khẩu hồ tiêu. Nhiều người kỳ vọng hồ tiêu tiếp tục tăng vì nhiều năm qua, hồ tiêu đã giảm giá khá mạnh và kéo dài.
Hồ tiêu sẽ có xu hướng lên và giá sẽ ở mức cao trong năm 2024, bà Huyền nhận định.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, giá hồ tiêu vẫn có xu hướng leo thang nên nông dân cũng hạn chế bán ra. Việc thu mua của doanh nghiệp cũng trở nên khó khăn.
Doanh nghiệp cũng cần chờ những tín hiệu của mùa vụ mới để quyết định thêm trong tương lai.
Doanh nghiệp đã có đơn hàng đã có cho quý 2. Nhưng vẫn còn nhiều nhà nhập khẩu còn đang băn khoăn về việc nhập khẩu bây giờ, khi mà giá liên tục tăng cao.
Họ cũng băn khoăn không biết có nên đặt mua luôn thời điểm hiện tại cho tương lai. Bởi, mùa vụ hồ tiêu cũng đang đến. Nếu vào vụ, hồ tiêu giảm giá sẽ là khó khăn cho cả bên mua và bên bán. Các bên khá dè dặt trong việc đặt mua hàng, bà Huyền chia sẻ.
Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, hiện nay tại thủ phủ càphê Tây Nguyên, từ đầu vụ thu hoạch càphê niên vụ 2023-2024, giá càphê miệt mài lên và lên rất nhanh.
Giá càphê tươi được thu mua nhiều nơi đã vượt 100.000 đồng/kg. Giá hồ tiêu cũng đang khoảng 94.000 đồng/kg. Giá càphê đã cao hơn giá hồ tiêu - điều chưa bao giờ có trong 25 năm qua.
Theo ông Phan Minh Thông, những ngày cuối tháng 3/2024, giá càphê đã lên vượt mức không dám nghĩ tới, vào đúng lúc nghỉ Lễ Phục Sinh của phương Tây, nơi có rất nhiều bạn hàng và nhập khẩu càphê Việt Nam nhiều nhất.
Theo Hiệp hội Càphê-Cacao Việt Nam (Vicofa), giá tăng nhưng lượng càphê Việt Nam đã cạn dần. Tồn trong kho trong doanh nghiệp và nông dân không nhiều. Do đó, lượng xuất khẩu từ nay đến cuối vụ sẽ giảm.
Còn về hồ tiêu, theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2023 đạt 539.000 tấn, giảm 4,3% so với năm 2022. Sự sụt giảm chủ yếu đến từ Brazil, Ấn Độ và Indonesia.
Hồ tiêu thế giới đang bước vào vụ thu hoạch chính diễn ra tại các quốc gia sản xuất chính gồm Việt Nam, Ấn Độ và miền Nam của Brazil.
IPC dự báo sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2024 tiếp tục giảm 1,1% tương đương 6.000 tấn. Brazil và Ấn Độ được dự báo tăng sản lượng trong năm 2024, trong khi giảm tại Việt Nam.
Dự kiến sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2024 ước đạt 170.000 tấn, giảm 10,5% so với năm 2023./.