Người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo cần được lên thẳng tuyến trên
Chia sẻ bên lề kỳ họp, nhiều đại biểu cho rằng những người bị bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được chuyển tuyến lên nơi khám, chữa bệnh cao hơn mà không cần giấy chuyển viện là rất cần thiết và phù hợp.
Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Chia sẻ quan điểm bên lề kỳ họp về những giải pháp đơn giản hóa thủ tục, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc khám, chữa bệnh, nhiều đại biểu cho rằng, những người bị bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được chuyển tuyến lên nơi khám, chữa bệnh cao hơn mà không cần giấy chuyển viện là rất cần thiết và phù hợp.
Sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho biết, trong phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, hiện nay Quỹ bảo hiểm y tế chưa thanh toán cho các dịch vụ có tính chất dự phòng, sàng lọc. Các bệnh như ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường đang chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí điều trị.
Đại biểu Hà cho rằng, việc sàng lọc các bệnh này chưa được bảo hiểm y tế chi trả gây lãng phí tiềm năng phòng ngừa bệnh tật của hệ thống y tế. Bà Hà kiến nghị bổ sung điểm 1, khoản 1 Điều 21 về phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế cho danh mục Dự phòng sàng lọc định kỳ. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể danh mục bệnh, tần suất, khung giá các dịch vụ này.
Cũng theo đại biểu thành phố Hà Nội, một trong những điểm mới của Luật Bảo hiểm y tế lần này là những người bị bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo chuyển tuyến mà không cần giấy chuyển viện rất phù hợp với nguyện vọng của người dân và cử tri; đồng thời khắc phục những bất cập trong thực tiễn khi thực hiện theo Luật Bảo hiểm y tế trước đây.
Đại biểu cho rằng, hiện nay những thủ tục hành chính đều được xem xét và người dân sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khi đi khám, chữa bệnh, nhất là những người bị bệnh hiểm nghèo. Chúng ta đã phân các cấp trong hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu, cơ bản, chuyên sâu và cấp khám, chữa bệnh chuyên sâu sẽ điều trị những bệnh thuộc phạm vi, chuyên môn của mình, trong đó có những bệnh hiếm, hiểm nghèo.
“Các đại biểu rất ủng hộ việc này và đề nghị Ban soạn thảo liệt kê danh sách những bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được chuyển tuyến lên nơi khám, chữa bệnh cao hơn,” đại biểu nêu ý kiến.
Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện thủ tục chuyển tuyến vẫn còn nhiều bất cập, gây phiền hà cho người tham gia bảo hiểm y tế. Vì vậy, trong dự thảo lần này, Bộ Y tế đã có những đề xuất nhằm giảm các thủ tục, bảo đảm quyền lợi của người dân.
Nêu quan điểm về việc bổ sung quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế như dự thảo Luật cơ bản phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri, là một trong những chính sách an sinh cơ bản mang tính nhân văn sâu sắc. Đại biểu cho rằng, Nhà nước luôn cần hỗ trợ cho nhân dân ở mức tối đa có thể nhưng cần có sự cân đối nguồn lực của ngân sách và Quỹ bảo hiểm.
Liên quan đến việc chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, dự thảo Luật đã đơn giản hóa thủ tục chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, mở rộng hơn quyền lợi của người khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế. Điều này rất phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cùng với việc quy định đơn giản hóa thủ tục chuyển tuyến, cần xem xét quy định việc liên thông kết quả khám cận lâm sàng của cơ sở khám, chữa bệnh trước đó để giảm thời gian chờ đợi, khám, chữa bệnh của người bệnh; giảm chi phí cho người bệnh; chống lãng phí, tiết kiệm chi phí cho Quỹ bảo hiểm y tế để sử dụng phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây cũng là bước đệm quan trọng nhằm tiến tới đồng bộ và liên thông các hồ sơ, dữ liệu của bệnh nhân tại các cơ sở y tế trên toàn quốc và nâng cao trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh trong việc tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý chất lượng bệnh viện.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, nhiều đại biểu đề nghị cần có đánh giá tác động kỹ hơn với một số chính sách lớn đưa ra như tác động đến đến khả năng cân đối bảo hiểm y tế, mở rộng đối tượng tham gia; mở rộng phạm vi được hưởng cho người khám, chữa bệnh, sử dụng bảo hiểm y tế và tỷ lệ được hưởng đối với một số đối tượng để đảm bảo tính thuyết phục hơn...
Theo đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang), Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật nhằm để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong hệ thống pháp luật, khắc phục những khó khăn, bất cập nhằm đảm bảo quyền lợi các đối tượng chịu tác động của luật./.