Đà Nẵng: Truyền cảm hứng theo đuổi đam mê khoa học cho học sinh các cấp

Thời gian qua Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng đã tổ chức mô hình STEM liên quan đến cơ khí, kỹ thuật cho học sinh trên địa bàn thành phố đến trải nghiệm và tham gia thiết kế sản phẩm.

Học sinh trường Trung học Cơ sở Lê Hồng Phong tham quan các mô hình tham gia dự án STEM tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Với mong muốn truyền cảm hứng, tạo cơ hội theo đuổi đam mê khoa học và công nghệ cho học sinh các cấp, thời gian qua Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng đã tổ chức mô hình STEM liên quan đến cơ khí, kỹ thuật cho học sinh trên địa bàn thành phố đến học tập, trải nghiệm và tham gia thiết kế sản phẩm.

Đầu tháng 10/2024, 40 học sinh Trường Trung học Cơ sở Lê Hồng Phong (thành phố Đà Nẵng) tập huấn, học tập STEM tại trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng.

Chương trình với các nội dung phong phú như: Tìm hiểu về phương pháp giáo dục STEM và cách tiếp cận sáng tạo cho học sinh trung học cơ sở; thực hành và trải nghiệm các mô hình STEM liên quan đến cơ khí và kỹ thuật; hoạt động nhóm và thảo luận về việc ứng dụng STEM trong thực tiễn.

Sau thời gian học tập, nhà trường đã tổ chức Cuộc thi thiết kế và sáng tạo sản phẩm STEM với chủ đề “Thiết kế bánh xe mơ ước.”

Em Nguyễn Đức Hưng (học sinh lớp 8/1, Trường Trung học Cơ sở Lê Hồng Phong) chia sẻ: Với sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng, chúng em được tiếp cận kiến thức, kỹ năng STEM và trải nghiệm các công nghệ, ứng dụng mới, giúp kích thích niềm đam mê khám phá và học hỏi của bản thân.

Cùng với đó, qua các hoạt động thực hành, thiết kế sản phẩm, chúng em được rèn luyện tư duy phản biện, khả năng phân tích, sáng tạo.

Học sinh trường Trung học Cơ sở Lê Hồng Phong tham gia thuyết trình dự án STEM sau khi học tập tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Thầy Đặng Ngọc Lam, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Lê Hồng Phong cho hay, qua hướng dẫn, huấn luyện của các giảng viên, chuyên gia, học sinh của trường được nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, thuyết trình.

Các thầy, cô giáo đã cung cấp định hướng, động lực và truyền cảm hứng cho học sinh theo đuổi các lĩnh vực STEM trong tương lai.

Sự phối hợp giữa hai trường đã thúc đẩy chuyển giao kiến thức và kỹ năng, góp phần xây dựng hệ thống giáo dục STEM liên thông, từ bậc trung học đến đại học.

Tham gia giảng dạy, thầy Trần Duy Chung (giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng) cho rằng, các học sinh rất thông minh, nhanh chóng tiếp thu công nghệ và bài học mới về kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng mới.

Đây là cơ hội cho các em phát triển kiến thức, kỹ năng, vận dụng kiến thức STEM vào thực tiễn, nâng cao tư duy logic, sáng tạo; kích thích niềm đam mê khoa học và công nghệ, giúp phát triển năng khiếu, sự sáng tạo và các kỹ năng mềm cần thiết.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lê Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), Chương trình STEM nhằm tạo điều kiện cho học sinh được vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn.

Chương trình đã khơi dậy được niềm đam mê với khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và kỹ năng làm việc nhóm; đồng thời phát hiện và nuôi dưỡng những tài năng khoa học, công nghệ.

Những sản phẩm, ý tưởng sáng tạo của các em có thể trở thành nguồn động lực và định hướng để theo đuổi con đường phấn đấu trở thành những sinh viên, kỹ sư, nhà khoa học trong tương lai.

Việc liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học với các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông để đào tạo STEM là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây cũng là định hướng mới của nhà trường.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, năm học 2022-2023, thành phố có 96 trường tham gia giáo dục STEM (trung học cơ sở có 62 trường với hơn 600 chủ đề; trung học phổ thông có 34 trường với hơn 150 chủ đề).

Học sinh trường Trung học Cơ Sở Lê Hồng Phong tham gia Cuộc thi thiết kế và sáng tạo sản phẩm STEM với chủ đề “Thiết kế bánh xe mơ ước.” (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Ngành Giáo dục Đà Nẵng triển khai STEM thông qua các nghiên cứu khoa học và cuộc thi khoa học kỹ thuật. Nhiều dự án đạt kết quả cao. Cụ thể, năm học 2023-2024 có 124/174 dự án tham gia cuộc thi cấp thành phố đoạt giải và chọn hai dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật toàn quốc.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng Trần Nguyễn Minh Thành đánh giá việc triển khai Chương trình giáo dục STEM đã giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhận thức đúng về tầm quan trọng của sự hình thành các năng lực và phẩm chất của học sinh theo mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh đó, học sinh đã chủ động, tích cực đề xuất và thực hiện các sản phẩm học tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Nhiều sản phẩm đã được dự thi và đoạt giải cao ở các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố, quốc gia. Qua đó, giúp các em vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết tình huống thực tiễn…

STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (Toán học).

Đây là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và Toán học theo cách tiếp cận liên môn, người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hằng ngày./.