'Người lính phi công kể chuyện': Sục sôi ý chí bảo vệ bầu trời

Cuốn sách khắc họa chân dung những anh hùng trên bầu trời, không khí chiến đấu sục sôi của các phi công tiêm kích Việt Nam trong 12 ngày đêm cuối năm 1972.

“Chiến trường trên không không có chiến hào. Máy bay chỉ bay tiến, không biết dừng, không biết lùi. Bầu trời mênh mông không có nơi ẩn nấp.”

Không gian chiến đấu khắc nghiệt đó sẽ được hé lộ trong cuốn truyện ký “Người lính phi công kể chuyện” của tác giả-Đại tá Nguyễn Công Huy, một cựu phi công máy bay tiêm kích MiG 21, trực tiếp tham gia chiến đấu trên bầu trời Hà Nội và miền Bắc cuối năm 1972.

Qua góc nhìn của một nhân chứng lịch sử, cuốn sách sẽ phần nào giúp độc giả hiểu hơn về cuộc sống của những người lính bay, những cuộc chiến trên không, để rồi thêm khâm phục trước trí tuệ, bản lĩnh của người lính Không quân Nhân dân Việt Nam, xúc động trước tình đồng đội, những hy sinh mất mát và sự khốc liệt của chiến tranh.

['Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không': Báo chí dũng cảm xung trận]

Cuốn sách bắt đầu từ thời điểm chàng thanh niên Nguyễn Công Huy (sinh năm 1947 tại Thường Tín) rời làng quê và mái trường phổ thông theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để nhập ngũ. Anh là một trong số các chiến sỹ được cử đi Liên Xô học lái máy bay chiến đấu. Vượt qua nhiều khó khăn của cuộc sống học tập nơi xa xứ, các học viên bay trẻ tuổi một lòng quyết tâm sớm làm chủ máy bay và bầu trời, tôi luyện ý chí để trở về quê nhà chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Công Huy tham gia phi đội đánh đêm, bay cùng một bầu trời với những anh hùng bắn rơi B52 như Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều... (Ảnh: Kim Đồng)

Chàng thanh niên 25 tuổi khi ấy tham gia phi đội đánh đêm, bay cùng một bầu trời với những anh hùng bắn rơi B52 như Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều… Từng chiến công tiêu biểu của không quân ta khi ấy lần lượt được tác giả kể lại với nhiều cảm xúc.

Phần sau của cuốn sách là không khí chiến đấu sục sôi của các phi công tiêm kích Việt Nam trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, đặc biệt là đội bay đêm.

Những ngày cao điểm đó, điều kiện chiến đấu hết sức khó khăn: “Cất cánh khó khăn một thì hạ cánh khó khăn gấp mười. Đường băng bị đánh hỏng, vỡ nát và đầy hố bom xung quanh không biết sẽ lao xuống đó lúc nào. Trong mưa gió mịt mùng, phi công phải tìm cách hạ cánh mà không hề có hệ thống đèn chiếu sáng, không có chỉ huy.”

Thế nhưng, các phi công bay đêm như ông Nguyễn Công Huy vẫn quyết tâm cất cánh bằng mọi giá để tiêu diệt B52: “Lần nào cất cánh lên cũng thấy dưới cánh mình những cột lửa khói của đạn bom bốc lên khắp nơi, chí căm thù cũng dâng lên theo ngùn ngụt. Tôi vẫn luôn xác định tinh thần là có thể mình sẽ không thể sống qua chiến tranh. Xác định như vậy thì vào trận lại rất thanh thản.”

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (1972-2022), Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách với hy vọng thế hệ hôm nay sẽ thêm tự hào và tiếp nối thế hệ cha ông anh dũng chiến đấu vì Tổ quốc, bảo vệ từng tấc đất vùng trời tươi đẹp của quê hương./.

Minh Thu (Vietnam+)