Trưng bày 500 tư liệu tiêu biểu ở Triển lãm “Điện Biên Phủ trên không"

Triển lãm trưng bày, giới thiệu 500 tư liệu tiêu biểu phản ánh diễn biến, quá trình chiến đấu của bộ đội phòng không-không quân, quân-dân Hà Nội, các địa phương miền Bắc trong 12 ngày đêm chiến đấu.

Khách tham quan Triển lãm. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Triển lãm tư liệuĐiện Biên Phủ trên không-Bản hùng ca bất tử” đã chính thức khai mạc sáng 15/12, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Đây là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2022).

Triển lãm trưng bày, giới thiệu đến công chúng 500 tư liệu tiêu biểu gồm sách, báo, tạp chí phản ánh diễn biến, quá trình chiến đấu của Bộ đội phòng không-không quân, quân và dân Hà Nội cùng các địa phương miền Bắc trong 12 ngày đêm chiến đấu, quyết đánh, quyết thắng pháo đài bay B52 của Mỹ.

Các thông tin tư liệu góp phần phản ánh tầm vóc, ý nghĩa thời đại và giá trị lịch sử của chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” năm 1972; khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn của Đảng trong lịch sử đấu trang dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.

Tại lễ khai mạc, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga khẳng định các tư liệu được giới thiệu tại Triển lãm đã góp phần tôn vinh, thiết thực tri ân các Anh hùng, Liệt sỹ, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ. Thông qua đó, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp nối ý chí kiên cường, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, góp phần sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, phát triển Thủ đô phồn vinh, hạnh phúc.

[Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không: Biểu tượng của trí tuệ, bản lĩnh]

500 tư liệu tiêu biểu trong triển lãm được chia làm 4 phần. Phần 1 đề cập về lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân chủng Phòng không-Không quân. Phần này giới thiệu các tư liệu phản ánh sự hình thành, vai trò của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc; lịch sử hình thành Quân chủng Phòng không-Không quân; những chiến công hào hùng trong cuộc chiến bảo vệ bầu trời, nhân dân, các mục tiêu trọng điểm và vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phần hai mang tên “Hà Nội 12 ngày đêm” với các tư liệu viết về bối cảnh, âm mưu của đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kết đường không vào miền Bắc; tầm nhìn chiến lược, chủ trương lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng khi quyết định mở Chiến dịch phòng không tại Hà Nội; kế hoạch tác chiến đánh của Quân chủng Phòng không-Không quân đánh trả các cuộc tập kích bằng B52 của giặc Mỹ; các tầng lớp nhân dân Hà Nội tham gia chiến đấu, bảo vệ Thủ đô trong 12 ngày đêm.

Phần 3 có nội dung “Điện Biên Phủ trên không-Tầm cao trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam,” giới thiệu những tư liệu viết về sức mạnh của lòng yêu nước, bản lĩnh Việt Nam đã làm nên thắng lợi trong chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự tài tình của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, phần này giới thiệu những tư liệu về nghệ thuật tác chiến phòng không-không quân trong việc đẩy lùi pháo đài bay B52; sự ủng hộ của nhân dân và các nước trên thế giới với Việt Nam; ý nghĩa, giá trị lịch sử, bài học kinh nghiệm của chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.

Phần cuối :“Hà Nội-Thủ đô anh hùng, hòa bình và sáng tạo” giới thiệu các tư liệu về Thủ đô anh hùng trong kháng chiến, anh hùng trong lao động sản xuất; Hà Nội vì hòa bình với những đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Thủ đô.

Hà Nội cũng là một thành phố của các không gian sáng tạo, thu hút đầu tư, kích thích tái tạo đô thị, phát triển các chương trình giáo dục, sự kiện văn hóa gắn liền với tầm nhìn phát triển bền vững…./.

Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)