Nghệ sỹ cải lương Minh Hải: Tự hào khi hai cha con cùng vào vai Bác
Với Minh Hải, vai diễn để lại nhiều cảm xúc và cũng nhiều áp lực nhất là Nguyễn Tất Thành trong vở cải lương “Nợ nước non.” Đặc biệt hơn cả là con trai anh cũng góp mặt với vai Nguyễn Sinh Cung.
Gần 20 năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tại Nhà hát Cải lương Việt Nam, nghệ sỹ Minh Hải đã ghi được dấu ấn riêng của mình trong lòng khán giả.
Với cá nhân anh, vai diễn để lại nhiều cảm xúc và cũng nhiều áp lực nhất là hình tượng người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong vở cải lương “Nợ nước non.” Đặc biệt hơn cả là con trai anh cũng góp mặt trong vở diễn với vai cậu bé Nguyễn Sinh Cung.
Mỗi khi nhớ lại những tràng pháo tay và những khoảnh khắc rưng rưng của khán giả trong các đêm diễn “Nợ nước non,” nghệ sỹ Minh Hải lại trào dâng niềm hạnh phúc vì mình đã “chạm” đến trái tim người xem.
Khát khao lan tỏa cải lương đất Bắc
Nguyễn Minh Hải sinh năm 1981 tại quê lúa Thái Bình, vùng đất nổi tiếng với thể loại chèo. Những làn điệu cổ truyền ấy đã “thấm” vào anh từ thuở nhỏ. Khi lên 5 tuổi, anh theo gia đình vào Lâm Đồng làm kinh tế. Ở đây, Minh Hải thường được mẹ dẫn đi xem cải lương khi các đoàn về lưu diễn. Từ đó, anh say mê những câu hát mùi mẫn lúc nào không hay.
Học xong phổ thông, Minh Hải vẫn muốn được theo đuổi niềm đam mê của mình. Tuy nhiên, người thân trong gia đình không muốn anh theo cải lương bởi môn nghệ thuật này đã qua thời hoàng kim. Đặc biệt, người miền Bắc hát cải lương là điều không dễ.
Sau đó, Minh Hải đã thi đỗ 3 trường với 3 ngành khác nhau: Diễn viên cải lương, du lịch và thương mại. Cuối cùng, anh vẫn quyết tâm theo học cải lương tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Năm 2005, anh tốt nghiệp và đầu quân về Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Được sự hướng dẫn, dìu dắt của lãnh đạo nhà hát, cũng như các anh chị trong đoàn, Minh Hải đã có những thành công đáng nhớ như: Vai Hùng trong vở “Mê cung” đoạt huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012, giải Ba tại cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” năm 2013, huy chương Vàng với vai Cao Biền trong vở “Linh khí trời Nam” tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ hai năm 2016, vai Dương Nhật Lễ trong vở “Ngạ quỷ” giành huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc năm 2018…
Sở hữu chiều cao lý tưởng, ngoại hình sáng và giọng hát truyền cảm, Minh Hải không ngừng học tập để hoàn thiện bản thân với tâm niệm: “Tôi yêu cải lương và muốn có thêm nhiều bạn trẻ ở phía Bắc cũng yêu cải lương như tôi. Hơn nữa, tôi khát khao muốn chứng minh rằng người miền Bắc cũng rất yêu cải lương và cũng có đủ khả năng thể hiện cái hay, cái đẹp của nghệ thuật cải lương như người miền Nam.”
Sau gần 20 năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, Minh Hải vốn được khán giả yêu cải lương biết đến qua các vai diễn anh hùng, hào hoa. Mới đây, anh đã mở rộng "biên độ" của mình, gần gũi hơn với khán giả sân khấu cả nước qua vai Chủ tịch Hồ Chí Minh thời trẻ.
Giảm 6kg để vào vai Bác Hồ
Ngoại hình phù hợp cùng tài năng, tâm huyết với nghề đã khiến cho Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam quyết định giao nhiệm vụ thể hiện hình tượng Bác Hồ trong vở diễn “Nợ nước non” (kịch bản: Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ) cho Minh Hải.
Đây là phần đầu tiên của dự án “Nước non vạn dặm” tái hiện toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Nợ nước non” chọn lọc những lát cắt tiêu biểu trong 21 năm đầu đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm ra đời năm 2022 nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022) và 111 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2022).
Xưa nay, việc thể hiện hình tượng Bác trên sân khấu luôn là một thách thức lớn đối với đạo diễn và diễn viên. Đạo diễn Triệu Trung Kiên và tác giả kịch bản Nguyễn Thế Kỷ đều băn khoăn liệu có nên để cho diễn viên vào vai Bác hát cải lương hay không.
[Vở cải lương 'Nợ nước non' - công trình nghệ thuật đặc biệt về Bác Hồ]
Sau cùng, họ quyết định đặt niềm tin vào nghệ sỹ Minh Hải. Chỉ bằng lối hát nói, lời thoại và diễn xuất, anh đã thuyết phục được khán giả.
Đến nay, Minh Hải vẫn còn nhớ cảm xúc hồi hộp khi đạo diễn Triệu Trung Kiên gọi điện thông báo rằng anh được chọn vào vai Nguyễn Tất Thành.
“Tôi thấy áp lực vô cùng vì nhiều tên tuổi gạo cội từng thể hiện thành công vai Nguyễn Tất Thành. Hơn nữa, tôi cũng ý thức được rằng tác phẩm sân khấu này không chỉ là một sản phẩm văn hóa mà còn mang một nhiệm vụ chính trị quan trọng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân kỳ vọng rất nhiều,” nghệ sỹ Minh Hải chia sẻ.
Với ý thức trách nhiệm như vậy, ngoài thời gian tập luyện, nghệ sỹ Minh Hải lao vào nghiên cứu tư liệu để “thấm” được tinh thần vở diễn, hiểu được bối cảnh lịch sử và tâm tư của vị lãnh tụ dân tộc. Đặc biệt, nghệ sỹ giảm 6kg trong vòng hơn một tháng để có vóc dáng như nguyên mẫu hình tượng người thanh niên Nguyễn Tất Thành.
“Nguyễn Tất Thành là một tượng đài vĩ đại của ý chí và trí tuệ... Trong khi đó, tôi chỉ là một người bình thường, rất khó để cảm nhận và thể hiện trên sân khấu vỏn vẹn có mười mấy mét vuông. Đó là điều ‘khó trong khó’,” nghệ sỹ Minh Hải chia sẻ.
Khi đã tìm được diễn viên chính cho vở diễn, cả êkíp đã thở phào nhẹ nhõm, nghĩ rằng có thể an tâm triển khai dựng vở. Vậy mà hóa ra việc tìm diễn viên nhí vào vai cậu bé Nguyễn Sinh Cung lại khó hơn nhiều so với việc chọn người vào vai Nguyễn Tất Thành.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết khi nhà hát có vở diễn nào có vai trẻ em, nghệ sỹ trong nhà hát đều đưa con em mình đến thử vai. Thế nhưng, có lẽ vì đây là một vai diễn khó nên khiến nhiều người e ngại.
Ban lãnh đạo phải đăng thông tin casting tìm diễn viên nhí lên Fanpage của nhà hát song nhiều ngày trôi qua mà vẫn không tìm được ai phù hợp. Cuối cùng, đạo diễn Triệu Trung Kiên đề nghị nghệ sỹ Minh Hải đưa con mình là bé Nguyễn Hoàng Anh Đức (9 tuổi) đến thử vai, vì anh đã đảm nhận vai Bác Hồ thời thanh niên.
Ban đầu, nghệ sỹ Minh Hải lo lắng, đinh ninh con trai không làm được vì không có kinh nghiệm diễn xuất. Song, tất cả đều bất ngờ trước phần thể hiện của bé Anh Đức trong buổi thử vai.
“Đất diễn” của bé Anh Đức nằm trong trường đoạn bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Hồ Chủ tịch qua đời ở Huế, khi chồng và con trai đầu đi công vụ ở xứ Thanh. Nguyễn Sinh Nhuận, em trai Nguyễn Sinh Cung cũng mất không lâu sau đó vì đói khát, ốm đau.
“Khi Anh Đức diễn thử phân cảnh bà Hoàng Thị Loan qua đời, nhiều nghệ sỹ xúc động trước cách nhập vai giàu cảm xúc. Lúc cậu bé cất giọng hát trong đoạn Nguyễn Sinh Cung ru em ngủ, chúng tôi 'nổi da gà' và nhận ra đây là gương mặt cần tìm,” đạo diễn nói.
Nói về quá trình tập luyện, nghệ sỹ Minh Hải cho hay anh cho con đọc sách, truyện về thời niên thiếu của Bác Hồ. Anh không uốn nắn lối diễn của Anh Đức mà để con vào vai tự nhiên. Chính Anh Đức cũng cho rằng vai diễn không khó như mình nghĩ. Chia sẻ với các phóng viên, cậu bé hồn nhiên nói: "Cháu mong có thêm phân cảnh để được đóng lâu hơn."
Cứ như vậy, không cần “dụng công” nhiều, Anh Đức đã vào vai bằng cảm xúc chân thật của mình và khiến khán giả tại các đêm diễn trào nước mắt xúc động.
Nhìn lại thành công của vở diễn, đạo diễn Triệu Trung Kiên cho rằng “Nợ nước non” không giống bất cứ một tác phẩm nào khác từng kể chuyện về Bác.
“Kịch bản của tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã khắc họa hình tượng Bác giản dị, gần gũi. Cách thể hiện của các diễn viên cũng rất giàu cảm xúc. Tất cả tạo cho khán giả một cảm quan rất mới mẻ, đương đại, góp phần khắc phục những hạn chế của sân khấu cải lương,” đạo diễn chia sẻ.
Những ngày tháng Năm lại về, trong niềm hân hoan mừng sinh nhật Bác Hồ kính yêu, nghệ sỹ cải lương Minh Hải và con trai cùng đoàn nghệ thuật Nhà hát Cải lương Việt Nam lại lên đường đến các tỉnh phía Nam để biểu diễn “Nợ nước non.”
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, anh cho hay qua các đêm diễn, dường như cảm xúc và nhận thức của anh về Bác Hồ ngày càng được bồi đắp, để mỗi lần thể hiện hình tượng Bác, anh có thể vào vai “tròn trịa” hơn, chạm đến trái tim khán giả.
Dự kiến trong năm nay, phần hai của dự án “Nước non vạn dặm” sẽ được dàn dựng. Minh Hải đang rất hào hứng, hồi hộp với nhiệm vụ mới này./.