Công nhận di sản đối với nghề Dệt thổ cẩm của người M'nông Bình Phước
Nghề dệt thổ cẩm là một nghề độc đáo của người M’nông, thể hiện các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử của cư dân với cộng đồng, thể hiện mối quan hệ gắn kết cộng đồng.
Ngày 18/5, chào mừng kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023) và kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng, tỉnh Bình Phước tổ chức Lễ Công bố quyết định công nhận, đưa nghề thủ công truyền thống Dệt thổ cẩm của người M’nông vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Bình Phước được biết đến là vùng đất đa dân tộc, một trong những dân tộc cư trú lâu đời, mang nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc sắc, đó là cộng đồng dân tộc M’nông.
Trong đời sống hằng ngày, người M’nông gắn bó chặt chẽ với môi trường tự nhiên.
[Bảo tồn, phát huy nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Bahnar]
Với kinh nghiệm được tích lũy từ bao đời, người M’nông đã tạo nên nghề truyền thống riêng của dân tộc mình, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.
Nghề dệt thổ cẩm của người M’nông là nghề thủ công truyền thống tích lũy và phát triển qua nhiều thế hệ, thể hiện kỹ thuật qua bàn tay khéo léo, sáng tạo của người phụ nữ để phục vụ nhu cầu cuộc sống.
Để dệt thổ cẩm, người nghệ nhân phải có năng khiếu, có kỹ năng, nắm rõ kỹ thuật dệt. Bên cạnh đó, họ phải biết nhận diện và khai thác đúng các nguyên liệu từ thiên nhiên như lá cây, vỏ cây rừng để phối tạo ra chất liệu nhuộm màu, kỹ thuật tạo hình hoa văn.
Những kỹ thuật, tri thức này còn thể hiện sự ghi nhớ, chắt lọc, sáng tạo và tích lũy qua thời gian để tạo ra sản phẩm độc đáo, riêng có của người M’nông.
Nghề dệt thổ cẩm là một nghề độc đáo của người M’nông, thể hiện các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử của cư dân với cộng đồng, thể hiện mối quan hệ gắn kết cộng đồng.
Với giá trị tiêu biểu đó, nghề dệt thổ cẩm của người M’nông tỉnh Bình Phước đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 1838/QĐ- BVHTTDL.
Tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Nguyễn Khắc Vĩnh nhấn mạnh nghề dệt thổ cẩm của người M’nông tỉnh Bình Phước được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử-văn hóa, khoa học của nghề truyền thống mà còn là sự ghi nhận những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặc biệt là sự tâm huyết của các nghệ nhân và cộng đồng người M’nông đối với việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị đối với nghề dệt thổ cẩm.
Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể nghề Dệt thổ cẩm trong thời gian tới, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước đề nghị các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các nghệ nhân, cộng đồng người M’nông huyện Bù Đăng, huyện Bù Gia Mập cần phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa nghề Dệt thổ cẩm của người M’nông theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Tỉnh cần quan tâm, có cơ chế để thúc đẩy công tác đào tạo nghề truyền thống, nâng cao tay nghề, tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa của người M’nông; ưu tiên hỗ trợ các hộ gia đình còn duy trì nghề tiếp cận nguồn vốn, nhằm tạo điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm giá thành sản phẩm để phù hợp với điều kiện kinh tế chung của số đông người dân và phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Tỉnh có chính sách khuyến khích, ưu đãi với nghệ nhân dệt thổ cẩm, người có tay nghề giỏi và xây dựng các buôn, sóc thành điểm du lịch cộng đồng; thành lập các hợp tác xã dệt thổ cẩm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới đông đảo khách du lịch.
Bên cạnh đó, các sản phẩm cần không ngừng cải tiến mang tính hiện đại hơn.
Cải tiến kỹ thuật dệt nhằm rút ngắn thời gian, phục hồi chất liệu truyền thống, giảm công sức của người dệt và giảm giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, mời nghệ nhân và nhà thiết kế sản phẩm giảng dạy, chuyển giao công nghệ mới cho cộng đồng, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng để làm ra các sản phẩm phù hợp cho cộng đồng, để nghề dệt thổ cẩm vừa được lưu giữ, vừa giúp mang lại hiệu quả thiết thực cho cuộc sống./.