Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia
Tồn tại suốt 200 năm, nghề làm bánh tráng Thuận Hưng không chỉ tạo ra những chiếc bánh thơm ngon, góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn là sự gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của người dân.
Sáng 19/5, quận Thốt Nốt, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức Lễ trao quyết định Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia cho Làng nghề làm bánh tráng Thuận Hưng.
Làm bánh tráng ở Thuận Hưng là một nghề thủ công truyền thống, hình thành từ giữa thế kỷ 19 và được trao truyền qua nhiều thế hệ.
Trải qua quá trình tồn tại và phát triển với bao thăng trầm, nghề làm bánh tráng ở đây vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống sâu sắc, góp phần làm phong phú kho tàng Di sản Văn hóa Phi vật thể của thành phố Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung.
Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng đã cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm mang hương vị đặc trưng của vùng đất giàu truyền thống này.
[Bảo tồn nghề dệt choàng - Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia]
Người làm bánh tráng Thuận Hưng sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ để chế biến. Đến nay, quy trình sản xuất bánh tráng ở đây không có nhiều thay đổi trong kỹ thuật pha bột, phơi bánh, nướng bánh.
Tuy nhiên, để tăng năng suất và giảm công lao động, người làm bánh tráng truyền thống sử dụng thêm một số máy móc để hỗ trợ sức người như máy xay bột, máy nạo dừa, máy hấp bánh.
Hiện nay, người làm bánh tráng Thuận Hưng tập trung nhiều nhất ở hai khu vực Tân An và Tân Phú, với 68 hộ sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống và 3 hộ đầu tư máy móc sản xuất.
Bánh tráng Thuận Hưng có nhiều loại sản phẩm đa dạng như bánh mặn, bánh ngọt, bánh tráng dừa.
Để có được một chiếc bánh tráng Thuận Hưng thành phẩm đạt yêu cầu không phải dễ dàng. Từ khâu chọn nguyên liệu đến pha bột, tráng bánh rồi phơi bánh, gỡ bánh là cả một quá trình đòi hỏi sự khéo léo, cần mẫn, kiên trì và đầy tâm huyết của người làm bánh.
Hai sản phẩm bánh tráng Thuận Hưng đạt tiêu chuẩn của OCOP 3 sao. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở sản xuất chưa chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đóng gói bao bì, đăng ký thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt ở hệ thống siêu thị, các kênh thương mại điện tử và xuất khẩu.
Ngày nay, chiếc bánh tráng Thuận Hưng đã vượt qua phạm vi của quận, thành phố để đi khắp Đồng bằng sông Cửu Long, đến các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,... Và hơn hết, nó trở thành một trong những sản phẩm của Việt Nam được xuất sang Campuchia.
Bên cạnh tạo việc làm cho hơn 250 lao động, nghề làm bánh tráng Thuận Hưng đã thu hút được nhiều du khách đến với phường Thuận Hưng. Tại đây, du khách sẽ được ngắm nhìn sự khéo léo của người thợ khi làm ra chiếc bánh tráng Thuận Hưng cũng như được chiêm ngưỡng hàng dài những chiếc bánh đang tắm mình trong nắng.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ, Phó Giám đốc Phụ trách Bảo tàng Cần Thơ, người làm bánh tráng Thuận Hưng chủ yếu lấy công làm lãi, thu nhập không cao; sản phẩm được làm theo nhu cầu, đặt hàng của thương lái, chưa có tính thường xuyên, liên tục, chủ yếu tập trung cao điểm vào dịp Tết Nguyên đán nhưng người dân vẫn duy trì, gắn bó với nghề.
Từ góc độ văn hóa, làm bánh tráng Thuận Hưng là một nghề thủ công truyền thống có lịch sử lâu đời. Tuy nhiên, so với thời kỳ cực thịnh cách đây vài thập niên, quy mô sản xuất giờ giảm nhiều. Nghề làm bánh tráng có thể sẽ mai một nếu không được đánh giá đúng và gìn giữ như một di sản văn hóa.
Làng nghề làm bánh tráng Thuận Hưng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia là cơ sở quan trọng để địa phương nghiên cứu, đề xuất, định hướng biện pháp bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của làng nghề nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan tại làng nghề. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động và đưa thương hiệu bánh tráng Thuận Hưng vươn xa.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đề nghị các sở, ngành có liên quan và lãnh đạo quận Thốt Nốt, phường Thuận Hưng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về Làng nghề và sản phẩm bánh tráng Thuận Hưng để nhiều người biết đến.
Bên cạnh đó, địa phương tạo điều kiện giúp đỡ, hướng người dân, hộ làm bánh tráng, chủ sản phẩm bánh tráng Thuận Hưng tiếp cận với các nguồn vốn vay, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chương trình quảng bá xúc tiến đầu tư, hội chợ giới thiệu sản phẩm... để tạo cơ hội quảng bá sản phẩm.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố mong muốn người dân làm bánh tráng tiếp tục chung sức, đồng lòng giữ gìn và phát huy giá trị cao đẹp của nghề thủ công truyền thống-làm bánh tráng Thuận Hưng bằng cách, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm bánh tráng, đào tạo nghệ nhân kế thừa... góp phần xây dựng và giữ gìn nghề truyền thống lâu đời.
Đến thời điểm này, thành phố Cần Thơ đã có 39 Di tích Lịch sử Văn hóa được xếp hạng; trong đó, có 5 Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Quận Thốt Nốt có một Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia và một Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia./.