Ngành thuế kiên quyết cưỡng chế nợ đối với các trường hợp chây ì
Nhằm phấn đấu thu thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán được giao, Cơ quan Thuế sẽ thực hiện giải pháp đồng bộ. Về thu hồi nợ, ngành sẽ kiên quyết cưỡng chế và đẩy mạnh nâng cấp các ứng dụng hỗ trợ.
Báo cáo từ Cục Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Tổng cục Thuế, cho biết ước tính công tác thu nợ lũy kế đến hết tháng Tám của toàn ngành Thuế tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy tình hình thu nợ thuế đang có nhiều tiến bộ.
Tăng cường biện pháp cưỡng chế
Để có được kết quả này, thời gian qua Tổng cục Thuế cho biết đã quyết liệt chỉ đạo các Cục Thuế địa phương bên cạnh việc triển khai đồng bộ các biện pháp cưỡng chế, đẩy mạnh việc nâng cấp ứng dụng hỗ trợ việc triển khai thu nợ thuế. Cụ thể, ngành tập trung nâng cấp nhiều phiên bản ứng dụng công nghệ thông tin trong đó có nâng cấp chức năng tại phân hệ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế trên hệ thống ứng dụng Quản lý thuế tập trung (TMS) đồng thời đẩy mạnh triển khai xây dựng một số ứng dụng (như Ứng dụng công nghệ trợ lý ảo).
Tại Hội nghị trực tuyến công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (ngày 29/8), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh trên cơ sở đánh giá tình hình nợ thuế và để tăng cường công tác quản lý và thu hồi nợ thuế đạt hiệu quả, Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế các địa phương kiên quyết áp dụng đầy đủ các biện pháp đối với người nộp thuế thuộc trường hợp phải áp dụng cưỡng chế.
Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết Cơ quan Thuế tiếp tục rà soát, phát hiện các khoản nợ sai, nợ ảo, đặc biệt là các khoản mới phát sinh sau khi hệ thống chốt sổ để xử lý kịp thời đồng thời tăng cường áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với những trường hợp cố tình chây ì nợ thuế sau khi đã được cơ quan thuế áp dụng các biện pháp nhắc nhở, cảnh báo.
Trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh lưu ý Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế các địa phương để đề xuất các nhóm giải pháp để thu hồi nợ thuế hiệu quả, trong đó phải đặc biệt chú ý đến áp dụng tự động hóa, số hóa và truy suất dữ liệu lớn (big data) của ngành Thuế áp dụng vào công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.
Đảm bảo kế hoạch thu ngân sách
Theo Bộ Tài chính, từ nay đến cuối năm 2024, ngành sẽ phấn đấu thu đạt và vượt dự toán được giao, để có nguồn thực hiện các nhiệm vụ trong dự toán và nhiệm vụ cấp bách phát sinh.
Trước đó, ngành Tài chính đã triển khai đồng bộ các giải pháp và nhiều sáng kiến, sáng tạo đã thu được từ các khoản thu tiềm năng góp phần vượt thu ngân sách ở mức cao trong các năm qua. Cụ thể, năm 2021 thu ngân sách Nhà nước vượt gần 15%, năm 2022 thu vượt 26,4% và năm 2023 thu ngân sách Nhà nước vượt hơn 8% (tương đương là hơn 131 nghìn tỷ đồng).
Để làm được điều này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn chia sẻ trong thời gian vừa qua, trước tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, ngành Thuế luôn đánh giá sát tình hình để đưa ra những dự báo sát với thực tiễn và theo dõi sát sao tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để đánh giá đúng nguồn thu.
Dự báo những tháng cuối năm, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận không nhỏ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Do đó, ngành Thuế cần triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, rà soát, khai thác tăng thu từ các nguồn thu khác sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2024.
Bên cạnh đó, để xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 tích cực, khả thi, sát với thực tế, đồng thời đảm bảo thu nội địa tăng tối thiểu 5%-7%, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho biết Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục theo dõi sát sao sức khỏe DN, đánh giá đúng tình hình sản xuất kinh doanh và khả năng thu ngân sách để xác định đúng mục tiêu thu ngân sách Nhà nước, trên cơ sở đó tổ chức lập giao dự toán cho các đơn vị cấp dưới sát đúng với khả năng thu.
Ngoài ra, ngành Thuế tiếp tục chú trọng trao đổi thông tin phục vụ dự báo lập dự toán các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, phí, lệ phí, thu khác nắm bắt những nguồn thu mới, các dự án hết thời gian ưu đãi, những nguồn thu phát sinh đột biến, đặc thù... để dự báo và lập dự toán sát với khả năng thực hiện.
Trên cơ sở đó, Cơ quan Thuế tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu trên các lĩnh vực còn nhiều dự địa lớn (như lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản, kinh doanh xăng dầu, dịch vụ ăn uống, lưu trú…) nhằm kịp thời xử lý, chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật thuế, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước.
“Đặc biệt, Cơ quan Thuế sẽ đẩy mạnh chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế, trong đó chú trọng vào xử lý thu hồi các khoản nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…,” Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn nói./.