Những ưu tiên kinh tế của tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra
Khôi phục nền kinh tế để cải thiện đời sống mọi tầng lớp nhân dân, lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trở thành yêu cầu cấp bách đối với tân Thủ tướng Thái Lan.
Bà Paetongtarn Shinawatra lên làm Thủ tướng Thái Lan trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á đang trải qua giai đoạn tăng trưởng thấp, xuất khẩu yếu và sản xuất không cạnh tranh, mức nợ hộ gia đình cao và tiêu dùng trì trệ.
Khôi phục nền kinh tế để cải thiện đời sống mọi tầng lớp nhân dân, lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trở thành yêu cầu cấp bách đối với tân Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử "đất nước Chùa Vàng."
Nền kinh tế Thái Lan vẫn đang chật vật phục hồi sau đại dịch COVID-19, với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo có thể chỉ đạt 2,4% trong năm nay so với dự báo 2,8% trước đó, do xuất khẩu và đầu tư công trong những tháng đầu năm yếu hơn dự kiến.
Bên cạnh đó, nền kinh tế "xứ Chùa Vàng" cũng bị ảnh hưởng từ mức nợ hộ gia đình cao và tiêu dùng trì trệ. Các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải vật lộn với làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.
Vì không thể cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải đóng cửa, tạo ra hiệu ứng lan truyền trong nền kinh tế và làm giảm sức mua khi người dân mất việc làm và giảm thu nhập.
Những việc cần làm ngay
Trong khi Nội các của bà Paetongtarn đang được khẩn trương xây dựng để có thể thực hiện nhiệm vụ dự kiến ngay từ tuần thứ hai của tháng 9 tới, giới chuyên gia nhận định phục hồi nền kinh tế thông qua các chính sách tài chính có thể mang lại hiệu quả ngay lập tức.
Theo Chủ tịch Phòng thương mại Thái Lan (TCC) Sanan Angubolkul, Chính phủ mới cần phải đẩy nhanh giải ngân ngân sách tài khóa 2024 và hướng dẫn các cơ quan hành chính địa phương chi ngân sách để kích thích nền kinh tế địa phương.
Việc phân phối các khoản thanh toán phúc lợi bằng tiền mặt theo chương trình “ví số” nên được ưu tiên ngay cho những người dễ bị tổn thương và người khuyết tật, sau đó là các biện pháp kích thích tức thời khác để tăng sức mua của người tiêu dùng.
Issara Boonyoung, Chủ tịch Ủy ban Phát triển Bất động sản tại Phòng Thương mại Thái Lan, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của chính phủ mới trong việc tạo điều kiện cho các khoản thế chấp với lãi suất thấp.
Theo ông, mặc dù lãi suất chính sách gần đây được duy trì ở mức 2,5%, nhưng việc đưa ra các khoản thế chấp với lãi suất cố định thấp là rất quan trọng để hỗ trợ người mua nhà có sức mua hạn chế và cải thiện khả năng tiếp cận các khoản vay, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ từ chối thế chấp cao.
Giới chuyên gia cũng cho rằng chính phủ cần khẩn trương xây dựng các chính sách và biện pháp để giải quyết “cơn lũ” sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc. Vấn đề này đã nổi lên dưới thời chính phủ Thủ tướng Srettha Thavisin và từ ngày 5/7, Bộ Tài chính Thái Lan đã bắt đầu thu thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả những mặt hàng có giá từ 1 baht trở lên, thay vì chỉ thu thuế VAT đối với hàng hóa có giá trị từ 1.500 baht trở lên như theo quy định trước đó.
Trong nỗ lực giải quyết vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, một đề xuất nữa được đưa ra là nhà chức trách có thể thu thuế từ các nhà cung cấp trực tuyến nước ngoài bán sản phẩm ở Thái Lan nhằm đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các nhà cung cấp trong nước có đóng thuế.
Tiếp nối những chính sách đang có hiệu quả
Với ngành du lịch đang cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, Chủ tịch TCC đề xuất chính phủ đặt ra các tiêu chuẩn an toàn và dịch vụ tại các điểm tham quan trên toàn quốc để đáp ứng mục tiêu thu hút 36-37 triệu lượt khách nước ngoài trong năm nay. Bên cạnh đó, chính quyền cũng nên tiếp tục quảng bá thí điểm 10 tỉnh hạng hai làm điểm đến du lịch.
Tuy nhiên, xét tính nhạy cảm của ngành du lịch trước những gián đoạn không lường trước được, chẳng hạn như trường hợp bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận gần đây ở Thái Lan, giới chuyên gia cũng khuyến nghị chính phủ cảnh giác và chuẩn bị ứng phó nhanh chóng với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.
Trong khi đó, giới chuyên gia cũng đánh giá các khoản thế chấp lãi suất thấp do chính phủ tiền nhiệm đưa ra như một phần của các biện pháp kích thích kinh tế vào tháng Tư đã tỏ ra có hiệu quả cao.
Ví dụ, việc Ngân hàng Nhà ở Chính phủ đưa ra các khoản thế chấp lãi suất thấp đã mang lại lợi ích to lớn cho người mua nhà khi nó giúp giảm hơn một nửa số tiền thanh toán hàng tháng của họ - từ 7.000 baht xuống chỉ còn 3.000 baht cho khoản vay 1 triệu baht. Những chính sách như vậy nên được tiếp tục thực hiện dưới thời chính quyền mới.
Thúc đẩy nỗ lực số
Theo ông Pochara Arayakarnkul, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn chuyển đổi số Bluebik Group, chính quyền sắp tới nên tập trung vào việc đẩy nhanh phát triển các dịch vụ của chính phủ số. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy các sáng kiến dữ liệu mở trong các cơ quan nhà nước và tận dụng dữ liệu lớn để ra quyết định, ông Pochara cho rằng việc tăng cường an ninh mạng của đất nước để giảm thiểu các mối đe dọa trên mạng sẽ tiếp tục là trọng tâm.
Trong khi đó, Somchai Sittichaisrichart, Giám đốc điều hành SiS Distribution (Thái Lan), kêu gọi tân Thủ tướng phê duyệt ngân sách tài khóa 2025 đúng hạn, ông cảnh báo rằng sự chậm trễ có thể khiến nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn.
Bất chấp bất ổn chính trị, ông Somchai bày tỏ sự tin tưởng rằng các nhà khai thác trung tâm dữ liệu đám mây nước ngoài sẽ tiếp tục đầu tư vào Thái Lan vì nhu cầu dịch vụ đám mây ở thị trường nội địa đã tăng 40% trong năm 2024.
Ông dự đoán toàn bộ ngân sách dành cho dự án công nghệ thông tin của nhà nước sẽ được giải ngân trong năm 2024, trong đó tỷ lệ phân bổ cho các giải pháp đám mây và ngoài đám mây là 50:50. Ông Somchai hy vọng chi tiêu công cho lĩnh vực đám mây sẽ vượt qua chi tiêu cho các lĩnh vực ngoài đám mây vào năm 2025./.