Ngân hàng trung ương Đức cảnh báo dấu hiệu suy thoái kinh tế
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trên tất cả các lĩnh vực ở Đức là do sự hạn chế nguồn cung, cụ thể là nguồn cung năng lượng tới châu Âu giảm mạnh sau khi xảy ra xung đột ở Ukraine.
Phóng viên TTXVN tại Berlin ngày 19/9 dẫn báo cáo hàng tháng của Ngân hàng Trung ương Đức, cho biết các dấu hiệu suy thoái đối với nền kinh tế nước này đang nhân lên, cảnh báo GDP sẽ giảm trên diện rộng và kéo dài.
Theo báo cáo, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trên tất cả các lĩnh vực là do sự hạn chế nguồn cung, cụ thể là nguồn cung năng lượng tới châu Âu giảm mạnh sau khi xảy ra xung đột ở Ukraine.
Theo báo cáo, GDP của Đức đã tăng 0,1% trong quý 2/2022. Tuy nhiên, ngày càng nhiều chỉ số kinh tế như lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng đã bắt đầu đi xuống.
[Thủ tướng Đức khẳng định sẽ vượt qua khủng hoảng năng lượng]
Ngân hàng Trung ương Đức dự báo tăng trưởng kinh tế của Đức có thể giảm nhẹ trong quý 3 năm nay, trước khi giảm mạnh trong quý 4 và quý đầu của năm 2023.
Theo ngân hàng này, tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga cho thấy tình hình thị trường đang rất căng thẳng.
Ngân hàng Trung ương Đức nhận định mặc dù Đức có thể tránh được việc chính thức áp chế độ phân phối nhiên liệu, song việc giảm tiêu thụ sẽ khiến các công ty hạn chế hoặc tạm dừng sản xuất.
Mặc dù tác động sẽ không nghiêm trọng như kịch bản bất lợi mà ngân hàng này đã đưa ra vào tháng Sáu, trong đó dự báo tăng trưởng kinh tế Đức sẽ giảm 3,2% trong năm 2023, song viễn cảnh tương lai vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Việc giảm nguồn cung khí đốt đã đẩy giá nhiên liệu và điện tăng vọt, khiến lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Giá tiêu dùng trong tháng Tám đã tăng 7,9%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đề ra.
Viện Nghiên cứu Kinh tế (Ifo) cho biết lạm phát của Đức có thể lên tới 8,1% trong năm nay và 9,3% trong năm tới.
Với dự báo trên, trưởng bộ phận dự báo của Ifo - ông Timo Wollmershaeuser cảnh báo: "Chúng ta đang bước vào cuộc suy thoái mùa Đông. Việc cắt giảm nguồn cung khí đốt của Nga trong mùa Hè, dẫn tới việc giá năng lượng tăng mạnh, đang tàn phá sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19."
Ifo cho rằng thu nhập thực tế của các hộ gia đình và sức mua sẽ giảm mạnh. Chuyên gia Wollmershaeuser dự báo hoạt động kinh tế có khả năng “trở lại bình thường” vào năm 2024 với mức tăng trưởng đạt 1,8% và lạm phát 2,5%./.