Nâng cao vai trò người đứng đầu cơ quan báo chí khi xây dựng môi trường văn hóa
Theo ông Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, việc xây dựng văn hóa có tốt đến đâu mà người đứng đầu không gương mẫu thì mọi nỗ lực đều sẽ thất bại.
Ngày 15/3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phiên thảo luận với chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí.”
Tại phiên thảo luận, các diễn giả đã đề ra nhiều giải pháp, cách làm để phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí đi vào thực chất và có hiệu quả cao.
Về đạo đức của người làm báo, ông Phạm Văn Báu, Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Thanh Hóa cho rằng, hiện vẫn còn tình trạng dẫn dắt dư luận khi dẫn link bài báo một đằng nhưng nêu ý kiến một nẻo, lợi dụng danh nghĩa hoặc dùng quyền lực của nhà báo để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương...
Đó là thực trạng đáng lo ngại khi đặt bên cạnh những quy chuẩn của đạo đức nhà báo và những đồng nghiệp làm nghề chân chính.
Nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa trong báo chí, ông Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, văn hóa của người làm báo, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người làm báo trong một cơ quan báo chí là rất quan trọng.
“Một nhà báo đúng nghĩa phải hội tụ đầy đủ các yếu tố, trong đó có trình độ học vấn nói chung và chuyên ngành nói riêng, song song với đó là có tri thức hiểu biết đúng đắn về văn hóa.
Có văn hóa thì mới định hướng và hình thành cho mình một phương cách làm việc và hành động đúng theo tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ của tập thể và cá nhân, khai thác thông tin để viết nên những tác phẩm báo chí có chất lượng về chính trị, nhân văn, giáo dục sâu sắc,” ông Đào Xuân Hưng nói.
Theo Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, mỗi nhà báo phải đặt lợi của quốc gia, dân tộc lên trên hết để soi xét vào các vấn đề, các hiện tượng, sự việc một cách trung thực, nhân văn.
Cùng với đó, mỗi cơ quan báo chí cần tạo điều kiện đề những người làm báo sống với nghề, làm việc tận tâm, có trách nhiệm, để xây dựng được uy tín, thương hiệu qua các tác phẩm báo chí mà công chúng đón nhận.
Đồng quan điểm, ông Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết nhiều năm nay, Hội Nhà báo đã nỗ lực xây dựng tiêu chí này để làm trong sạch môi trường báo chí.
Yếu tố đạo đức và văn hóa đan xen, bổ trợ, tạo nền tảng cho nhau để nâng cao chất lượng cho nền văn hóa của người làm báo.
Qua phiên thảo luận này, chúng ta cùng mong muốn tiếp tục tìm thêm những yếu tố để xây dựng ngày càng tốt hơn nữa đạo đức, văn hóa của những người làm báo.
Theo ông Hồ Quang Lợi, trong việc xây dựng văn hóa cho các đồng nghiệp thì người đứng đầu đóng vai trò rất quan trọng.
Việc xây dựng văn hóa có tốt đến đâu mà người đứng đầu không gương mẫu thì mọi nỗ lực đều sẽ thất bại. Việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí cần phải được thực hiện lâu dài, thường xuyên để đạt được những hiệu quả thực sự cho nghề báo Việt Nam./.