Thăm dò, khai quật khảo cổ tại Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn
Dự án khai quật khảo cổ khu vực phía đông tháp K được đánh giá là rất kịp thời, cần thiết nhằm góp thêm những tư liệu mới giúp nhận thức toàn diện hơn về không gian văn hóa-lịch sử-kiến trúc Mỹ Sơn.
Sáng 15/3, Viện Khảo cổ học phối hợp Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) tiến hành thăm dò, khai quật, khảo cổ tại phía Đông tháp K, thuộc quần thể Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn.
Tổng diện tích khai quật, thăm dò lần này là 220m2, bao gồm: diện tích thăm dò rộng 20m2 (gồm 4 hố) và diện tích khai quật rộng 200m2 (gồm 2 hố).
Theo Quyết định cho phép thăm dò, khai quật khảo cổ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong thời gian thăm dò, khai quật khảo cổ, các đơn vị phối hợp thực hiện có trách nhiệm bảo vệ địa tầng của di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương.
Những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn có trách nhiệm gìn giữ, bảo quản, tránh để bị hư hỏng, thất lạc và có phương án bảo vệ, phát huy giá trị của hiện vật được tìm thấy trong quá trình khảo cổ.
Tháp K có niên đại khoảng thế kỷ 11-12, được xây dựng trên vùng đất phẳng rộng, cao ráo. Đây là ngôi tháp đơn lẻ nằm khá độc lập với các nhóm tháp khác.
Theo các học giả Pháp đầu thế kỷ 20, tháp K như một cổng cửa mở theo hướng đông-tây và có tường gạch. Phù điêu gồm tượng 3 đầu 2 tay, có tượng sư tử, kiến trúc có 2 đầu hồi, không tìm thấy văn bia.
Phân tích cho thấy nếu vào thung lũng Mỹ Sơn theo đường suối Khe Thẻ hoặc bằng đường bộ men theo bờ suối Khe Thẻ xưa thì công trình kiến trúc đầu tiên bắt gặp chính là tháp K. Vì nằm ở vị trí đặc biệt nên chức năng của tháp được các chuyên gia nhận định có thể đóng vai trò trạm đầu tiên đón tín đồ vào hành hương.
Dự án khai quật khảo cổ khu vực phía đông tháp K được đánh giá là rất kịp thời, cần thiết nhằm góp thêm những tư liệu mới giúp nhận thức toàn diện hơn về không gian văn hóa-lịch sử-kiến trúc Mỹ Sơn trong suốt tiến trình lịch sử tồn tại.
Cùng với việc tổ chức thăm dò, khai quật khảo cổ, thời gian qua, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước tiến hành bảo dưỡng sau trùng tu các tháp G, H, A, K; gia cố chống đỡ tại các khu tháp, nghiên cứu niên đại gạch, nghiên cứu địa tầng trong khu vực di tích.
Để nâng cao chất lượng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, hiện nay Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khai quật đường dẫn từ tháp K đến hai tháp E,F và mở rộng lối đi bên ngoài ba khu tháp B,C,D nhằm giãn khách, giảm áp lực lên di tích.
Theo Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn, Thánh địa Mỹ Sơn được người Chăm bắt đầu xây dựng vào thế kỷ IV. Đây là một trong những trung tâm đền tháp chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam./.