Nâng cao giá trị cho quả nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Mặc dù năm nay thời tiết không thuận lợi nhưng nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật nên nhãn Hưng Yên vẫn có chất lượng cao và có giá ổn định hơn so với các năm trước.
Thời điểm này, các vùng trồng nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang bước vào vụ thu hoạch.
Năm nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây nhưng nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật nên nhãn Hưng Yên vẫn có chất lượng cao và có giá ổn định hơn so với các năm trước.
Đến thời điểm này, Hợp tác xã Cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên đã thu hoạch khoảng 70% diện tích. Năm nay, dù sản lượng không được như năm trước nhưng các thành viên trong hợp tác xã rất phấn khởi vì nhãn bán được giá.
Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng Trần Văn Mý cho biết năm nay, hợp tác xã trồng trên 30ha nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến thời điểm này, hợp tác xã đã thu hoạch được trên 20ha với năng suất khoảng 100 tấn chủ yếu là các giống nhãn hương chi, siêu ngọt. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt nên nhãn của hợp tác xã cho năng suất ổn định, chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận.
Theo ông Mý, giá nhãn năm nay ổn định từ 25.000-50.000 đồng/kg, tùy từng loại. Hiện các thành viên trong hợp tác xã đang tích cực thu hoạch những diện tích còn lại, dự kiến khoảng 25/8 sẽ thu hoạch xong. Ước tính sản lượng trên 150 tấn quả.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên Vũ Quang Thắng chia sẻ ngay từ đầu vụ, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động như Hội nghị kết nối xuất khẩu nhãn và các sản phẩm chế biến từ nhãn sang thị trường Nhật Bản; Tuần lễ tôn vinh nhãn lồng Hưng Yên tại Khu đô thị Ocean Park 2, huyện Văn Giang và sẽ tổ chức Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội vào ngày 16-18/8.
Cùng đó, sở đã lồng ghép các hình thức xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước đến ký kết sản xuất, chế biến và hợp đồng thu mua nhãn và các nông sản của Hưng Yên.
Do vậy, nhãn lồng Hưng Yên đã được nhiều doanh nghiệp, siêu thị tìm đến ký kết tiêu thụ. Đến nay, thị trường tiêu thụ nhãn được tiêu thụ qua nhiều kênh như hàng quà tặng, siêu thị, cửa hàng rau quả sạch, chợ ở các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh... và xuất khẩu sang một số nước.
Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội trao đổi, mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ; chú trọng hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng, sản phẩm OCOP, nhất là đối với quả nhãn tươi và các sản phẩm từ nhãn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng cho biết nhãn lồng Hưng Yên được xếp hạng 13 trong số 50 trái cây nổi tiếng của Việt Nam, được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là loại trái cây ngon nhất và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa "Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua," được công nhận chỉ dẫn địa lý giúp khách hàng nhận biết và thưởng thức sản phẩm chính hiệu nhãn lồng Hưng Yên.
Để phát huy lợi thế này, những năm qua, chính quyền các địa phương và nông dân đã không ngừng nâng cao chất lượng, lưu giữ và nhân rộng nhiều loại giống nhãn quý. Đây là tiền đề đưa thương hiệu "nhãn lồng Hưng Yên" đến gần hơn với khách hàng trong và ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Văn Tráng, tỉnh Hưng Yên, hiện toàn tỉnh có khoảng 1.700ha sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, chiếm khoảng 34% diện tích nhãn toàn tỉnh.
Đến nay, nhiều sản phẩm nhãn, long nhãn của các hợp tác xã, tổ hợp tác được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh.
Để nâng cao chất lượng nông sản nói chung, nhãn quả tươi nói riêng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách; xây dựng các đề án, mô hình phát triển nông nghiệp sạch theo hướng VietGAP, hữu cơ.
Sở chủ động phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, mở rộng vùng trồng nhãn được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; khuyến khích người dân đầu tư mặt bằng sơ chế, trang thiết bị bảo quản để bảo đảm chất lượng nhãn quả sau thu hoạch./.