Doanh nghiệp thích ứng các tiêu chuẩn cao để xuất khẩu thành công vào EU
Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng mạnh và Việt Nam trở thành quốc gia có thị phần lớn nhất so với các nước trong khu vực ASEAN xuất khẩu vào EU.
Khoảng 200 tỷ USD là kết quả xuất khẩu của Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) sau 4 năm Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực (từ đầu tháng 8/2020).
Là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao thứ hai mà Việt Nam ký kết (sau Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP) nhưng EVFTA là hiệp định đầu tiên và toàn diện nhất mà EU (với 27 nền kinh tế phát triển) đã ký kết với một nước đang phát triển là Việt Nam.
Nhờ đó, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực cải thiện thể chế để đáp ứng các yêu cầu cao của Hiệp định. Tuy nhiên, các thách thức đối với doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam khi bước vào năm thứ 5 thực thi Hiệp định EVFTA là không nhỏ.
Tỷ trọng hàng xuất khẩu tăng mạnh
Mặc dù bị tác động không nhỏ bởi đại dịch COVID-19, cuộc xung đột quân sự Nga-Ukrainevà những khó khăn, thách thức chung của thế giới và khu vực… song, qua 4 năm thực thi Hiệp định EVFTA, cả Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đều đã đạt được các kết quả rất tích cực.
Hiện EU là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Đáng chú ý, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng mạnh và Việt Nam trở thành quốc gia có thị phần lớn nhất so với các nước trong khu vực ASEAN xuất khẩu vào EU. Việt Nam xuất siêu vào EU và các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong EU là Hà Lan, Đức, Italy, Bỉ, Pháp cũng như nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang EU tiếp tục tăng trưởng mạnh (như thủy sản, rau quả, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ…
Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức 2 con số (từ 12-15%/năm), với tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu tính từ năm 2020 đến hết tháng 6/2024 đạt khoảng 200 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay đạt gần 24,7 tỷ USD, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm 2023. EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 3 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam.
Theo các chuyên gia và nhiều hiệp hội ngành hàng, trên thực tế, EU vốn là thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam và nhờ EVFTA đã giúp nhiều nhà nhập khẩu EU biết tới các nhà cung ứng Việt Nam hơn.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da Giày-Túi xách Việt Nam (lefaso) cho biết thị trường EVFTA vẫn là thị trường chính từ xưa đến nay của ngành da giày, cho nên việc duy trì và thúc đẩy phát triển thì đương nhiên là một trong những trọng tâm của ngành vì thị trường EU đứng thứ hai sau thị trường Mỹ và tốc độ tăng trưởng và thị trường này khoảng 10%.
Đại diện lefaso thông tin thêm, do đại dịch COVID-19 thì các thị trường đều có sự suy giảm, nhưng cũng chính nhờ có EVFTA nên ngành da giày vẫn duy trì được thị trường này và tăng trưởng trở lại khi đại dịch đi qua,
Tuy nhiên, bà Xuân cũng nhận định sắp tới sẽ có thách thức rất lớn khi một loạt các chính sách, đặc biệt là thỏa thuận Xanh của EU đưa ra sẽ buộc tất cả các doanh nghiệp phải thay đổi và cũng là một cái để cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu..
Theo Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI), điểm ghi nhận lớn nhất của EVFTA là hiệp định được tỷ lệ doanh nghiệp biết tới và hưởng lợi nhiều nhất trong số các hiệp định đã ký kết. Thế nhưng, càng tham gia sâu, các cam kết của Hiệp định càng khắt khe hơn. Cùng với đó là các đòi hỏi mới, tiêu chuẩn cao hơn để đáp ứng tiêu chuẩn “Xanh” của thị trường này.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nêu thực tế, quy định của EU cũng là một xu hướng tất yếu, song điều này cũng tạo ra thách thức cho ngành dệt may, bởi chiến lược về dệt may bền vững.
“Thời trang nhanh trước đây thì sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ rất nhanh chóng. Cho nên lượng rác thải ra môi trường rất lớn và chính vì vậy họ đưa ra chiến lược của dệt may bền vững và bắt đầu từ khâu thiết kế sinh thái cho đến sản xuất và tiêu dùng bền vững. Tức là sản phẩm, phía EU yêu cầu từ khi thiết kế đã phải tính đến khi thải bỏ có tái chế được không, hay những sản phẩm mà không bán được, tồn kho thì nhà cung cấp phải có trách nhiệm để thu hồi hoặc là phải tái chế lại…,” ông Trương Văn Cẩm nêu thực tế.
Chủ động để không bỏ lỡ thời cơ
Mặc dù tiềm ẩn nhiều thách thức, nhưng theo các chuyên gia nếu tận dụng thành công cơ hội xuất khẩu xanh sang EU, lợi ích Việt Nam có thể nhận được cũng là khá đáng kể, bởi thương mại đối với công nghệ Xanh và các sản phẩm bền vững đã và đang trở thành xu hướng phổ biến ở nhiều quốc gia.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Bí thư thứ nhất Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU (Bộ Công Thương) cho biết EU sẽ ban hành các đạo luật cho từng loại sản phẩm hàng hóa nhập khẩu vào nước này và có hiệu lực ngay từ cuối năm nay và đầu năm tới.
Có thể kể đến quy định về thu gom các chất thải có hiệu lực từ đầu năm 2025; hay “hộ chiếu sản phẩm” (nhằm truy xuất nguồn gốc trong suốt dòng đời của sản phẩm) - dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2026; rồi các quy định về sản phẩm không phá rừng đã có hiệu lực từ năm 2023 nhưng kể từ 30/12/2024 nhà nhập khẩu phải thực hiện “báo cáo thẩm định.”
Bà Nguyễn Hồng Hạnh thông tin, trong “báo cáo thẩm định” thì người vận hành phải thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu chứng minh sản phẩm không bị chặt phá rừng - hợp pháp. Ví dụ như tọa độ địa lý, số lượng, quốc gia sản xuất… và cơ quan đăng ký tuyên bố thẩm định là công cụ trực tuyến do EU tạo ra.
“Tháng 8 này EU sẽ đưa ra những hướng dẫn qua video, còn tháng 9-10/2024 thì đưa ra hướng dẫn bằng văn bản và tháng 11 thì họ mở ra cái IF (thông tin) này để các công ty từ tháng 12 có thể sẽ phải đăng ký. Đây là quy định mới của EU nên là các doanh nghiệp (như dệt may, da giày…) cần lưu ý vì đối với ngành dệt may da giày, đặc biệt là những ngành liên quan đến sản xuất sợi Viscose và liosen thì cần phải tuân thủ…,” đại diện Thương vụ lưu ý thêm.
Rõ ràng, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói chung, sang EU nói riêng. Mặc dù là đối tác xuất khẩu hàng đầu khu vực ASEAN vào EU, song, xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ được hơn 2% quy mô dung lượng thị trường của EU. Hiện nay tận dụng được cơ hội từ Hiệp định EVFTA đa phần là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết trong số những doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thì dường như là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) do họ có kinh nghiệm ở thị trường này, do họ có khả năng đáp ứng được các quy tắc xuất xứ và chủ động về nguồn nguyên liệu…, cho nên họ đáp ứng tốt hơn doanh nghiệp của Việt Nam.
Vì vậy, trong quá trình thực thi EVFTA, cơ quan chức năng cũng đã lưu ý và sẽ cần có sự hỗ trợ mạnh hơn nữa để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tốt hơn được những ưu đãi từ hiệp định đem lại.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA mới đạt khoảng trên 20%. Con số này cao hơn so với các FTA Việt Nam đã đưa vào thực thi nhưng chưa đạt được kỳ vọng đặt ra đối với Hiệp định. Do đó, Việt Nam cần có các cơ chế hỗ trợ giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi của Hiệp định cũng như đáp ứng được quy định, tiêu chuẩn “Xanh” từ thị trường này./.