​Nâng cao chất lượng tham mưu, tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước

Thành ủy Hà Nội mong muốn Hội đồng Lý luận Trung ương tham gia giúp thành phố xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô...

Lễ ký kết Chương trình hợp tác nhiệm kỳ Đại hội XIII giữa Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. (Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN)

Chiều 21/2, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2021 và ký kết Chương trình hợp tác nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, chủ trì hội nghị.

Trình bày bác cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2021, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương Bùi Trường Giang cho biết, sau 5 năm, Chương trình được triển khai toàn diện cả 6 nội dung ký kết, đạt hiệu quả thực chất, bám sát kế hoạch đề ra cho từng năm.

Hai bên đã phối hợp tổ chức 3 tọa đàm khoa học, 4 cuộc khảo sát thực tế kết hợp tọa đàm khoa học tại Thủ đô phục vụ nhiệm vụ tư vấn, tổng kết lý luận và thực tiễn Trung ương giao...

Đặc biệt, Hội đồng Lý luận Trung ương đã giúp Thành ủy Hà Nội tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố và xây dựng dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025.

Các cuộc tọa đàm khoa học, nghiên cứu, khảo sát thực tiễn do Hội đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy Hà Nội tổ chức đã có tác dụng thiết thực, góp phần giúp hai cơ quan nâng cao chất lượng tham mưu, tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước. Chương trình số 20-CTr/TU đã góp phần giúp nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

[Triển khai các văn bản mới về công tác tổ chức xây dựng Đảng]

Trình bày Chương trình hợp tác giữa Hội đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy Hà Nội trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cho biết, Chương trình sẽ tập trung vào kế thừa các thành tựu và khắc phục hạn chế của giai đoạn 2017-2021; tiếp tục hợp tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận gắn với định hướng chủ trương, chính sách nhằm cung cấp những luận cứ khoa học cho việc cụ thể hóa, thể chế hóa các tư tưởng chỉ đạo, chủ trương lớn, đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Cùng với đó, hai bên tiếp tục phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học, nhất là các buổi tọa đàm chuyên sâu; khảo sát thực tiễn về một số vấn đề lý luận chính trị, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng. Hai bên phối hợp xây dựng cơ chế cụ thể về việc đặt hàng nghiên cứu, chia sẻ, trao đổi thông tin, ấn phẩm và các tư liệu phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao liên quan đến lý luận chính trị.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cho rằng, hiện nay, Thành ủy Hà Nội và Hội đồng Lý luận Trung ương có nhiều cơ hội, điều kiện để tiếp tục tăng cường hợp tác hơn nữa, qua đó giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của hai bên.

Để đạt hiệu quả hơn trong quan hệ hợp tác thời gian tới, hai bên cần chia sẻ, phát hiện các vấn đề để khảo sát và có tổng kết thực tiễn; tổ chức các hội thảo, tọa đàm với các cơ quan liên quan theo hướng phát triển hết tiềm năng, nội lực vốn có để đưa Hà Nội phát triển, đồng thời lưu giữ lại được những tinh hoa vốn có của Thăng Long-Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, nhiệm vụ đặt ra đối với thành phố thời gian tới, trước mắt là trong nhiệm kỳ 2020-2025 rất nặng nề, nhất là nhiệm vụ cụ thể hóa, thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, trước hết là Nghị quyết số 15 - NQ/TW ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,” Nghị quyết số 06 - NQ/TW ngày 24/1/2022 về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,” Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 về “Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”

Để thực hiện được những nội dung đặt ra, hai bên cần chọn việc có trọng tâm, trọng điểm để hợp tác. Thành ủy Hà Nội mong muốn Hội đồng Lý luận Trung ương tham gia giúp thành phố xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Quy hoạch phát triển Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, Hội đồng Lý luận Trung ương hỗ trợ thành phố trong việc triển khai các chủ trương lớn bảo đảm tính khả thi, vừa phù hợp thực tiễn, vừa bảo đảm khoa học, bài bản, đi vào từng vấn đề cụ thể, qua đó giải quyết căn cơ các vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

Nhìn nhận thực tiễn Hà Nội luôn là mảnh đất phong phú cho công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, những đề xuất trọng tâm của thành phố Hà Nội về cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, Luật Thủ đô (sửa đổi), các quy hoạch lớn... là hoàn toàn chính xác, cần thiết.

Ngoài ra, hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Trong quá trình đó, phải xác định rõ tinh thần đổi mới tư duy, tầm nhìn, với tư duy toàn cầu, tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương, trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân.

Trên cơ sở thống nhất các quan điểm, hai cơ quan đã ký kết Chương trình hợp tác nhiệm kỳ Đại hội XIII. Chương trình gồm 3 chương, 9 điều, trong đó xác định 6 nội dung, 7 phương thức hợp tác. Từ chương trình này, hai bên sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể theo từng năm, bảo đảm hợp tác thực chất, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ chính trị của hai bên, giải quyết hiệu quả những yêu cầu từ thực tiễn Thủ đô và đất nước đặt ra./.

Tuyết Mai-Minh Anh (TTXVN/Vietnam+)