Giải quyết hiệu quả các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm
Tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, các đại biểu quan tâm đến đến các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội đồng Nhân dân.
Tiếp tục ngày làm việc tại Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, các đại biểu quan tâm đến các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội đồng Nhân dân, qua đó sớm tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, giải quyết hiệu quả các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm, chất vấn tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân.
Tích cực tương tác với cử tri
Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng chia sẻ sau hoạt động chất vấn, Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn.
Sau hoạt động giải trình, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành kết luận nêu rõ những đánh giá về kết quả, hạn chế, khó khăn trong quản lý điều hành của chính quyền thành phố và đề nghị những giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, làm cơ sở pháp lý để Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai có sự giám sát của Hội đồng Nhân dân.
Tại các kỳ họp, thành phố quan tâm đến những vấn đề tồn tại nhiều năm, cử tri có nhiều ý kiến nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, chú trọng ý kiến cử tri tại địa bàn không tổ chức Hội đồng Nhân dân; những vấn đề khó khăn cần sự cam kết tại phiên họp về trách nhiệm phối hợp giữa các đơn vị có liên quan để giải quyết; việc tổ chức giám sát, khảo sát giúp đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố nắm bắt đầy đủ, chính xác vấn đề thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng của cử tri để có đủ thông tin, nhận định, đánh giá, đặt vấn đề, câu hỏi đúng trọng tâm, sát thực tiễn; kiến nghị đề xuất các giải pháp mang tính khả thi.
Cùng với đó, việc giải trình, trả lời chất vấn cần đúng trọng tâm, không né tránh, thừa nhận những việc còn tồn tại, vướng mắc trong quá trình quản lý nhà nước của từng đơn vị… Nội dung kết luận phiên chất vấn, giải trình là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan hành chính nhà nước triển khai thực hiện và Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố, các Ban Hội đồng Nhân dân giám sát; có thời hạn hoàn thành, gắn với trách nhiệm của người chất vấn, giải trình.
Để nâng cao chất lượng hoạt động giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn của Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân tập trung thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị, nhiệm kỳ 2021-2026,” gắn với thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
[Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng hoạt động Hội đồng nhân dân]
Thường trực Hội đồng Nhân dân tổ chức giải trình, chất vấn đối với các nội dung: về kết quả triển khai các nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố đã ban hành; những nội dung trả lời kiến nghị cử tri qua các năm, các kỳ họp; việc giải quyết kiến nghị sau giám sát nhằm đẩy nhanh tiến độ và đưa nghị quyết, kết luận của Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân vào cuộc sống.
Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm đại biểu Hội đồng Nhân dân, nhất là các đại biểu chuyên trách; phát huy vai trò nòng cốt của các Ban và từng thành viên của Ban Hội đồng Nhân dân thành phố trong việc đề xuất nội dung, vấn đề cần được giải trình, chất vấn và tham gia đặt câu hỏi chất vấn, yêu cầu giải trình đối với các đơn vị, người đứng đầu.
Hội đồng Nhân dân thành phố chú trọng công tác thông tin tuyên truyền thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí và trang Facebook của Hội đồng Nhân dân thành phố để cử tri theo dõi, đánh giá và giám sát thông qua những tương tác, bình luận của nhân dân.
Đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Được cho biết để nâng cao chất lượng kỳ họp của Hội đồng Nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An đã chú trọng vào việc ban hành các nghị quyết đảm bảo chất lượng, khả thi.
Trong đó, đã chủ động chỉ đạo xây dựng Chương trình ban hành Nghị quyết toàn khóa, hàng năm, trình Hội đồng Nhân dân tỉnh xem xét thông qua để chủ động trong công tác chuẩn bị, phối hợp “từ sớm, từ xa” với các cơ quan có liên quan; phân công các ban của Hội đồng Nhân dân tỉnh chủ động nghiên cứu các chính sách, pháp luật, mô hình hay và nắm bắt thực tế đời sống địa phương để sẵn sàng tham gia chuẩn bị nội dung kỳ họp; có kế hoạch, lộ trình chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thẩm tra.
Trước kỳ họp, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh tổng hợp ý kiến cử tri, ý kiến thảo luận tổ liên quan đến dự thảo nghị quyết gửi đến Ủy ban Nhân dân tỉnh và cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nghị quyết để có nhiều thời gian nghiên cứu, tiếp thu giải trình đầy đủ, thỏa đáng.
Tại các kỳ họp, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh chỉ tổng hợp các vấn đề còn có ý kiến khác nhau và những nội dung mới bổ sung, cập nhật chưa được thảo luận tại cụm để gợi ý, đưa ra thảo luận tập trung tại hội trường sau khi Ủy ban Nhân dân tỉnh và cơ quan liên quan có báo cáo tiếp thu, giải trình. Việc thông qua nghị quyết cũng thực hiện theo nhóm.
Dự thảo nghị quyết nào khi thông qua có ý kiến khác thì tách ra để biểu quyết riêng. Như vậy vừa đảm bảo dân chủ, vừa tiết kiệm thời gian thông qua, dành thời gian cho thảo luận để nâng cao chất lượng kỳ họp.
Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát
Tham luận tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Thái Hưng, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La nêu ra 3 vấn đề khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện giám sát như công tác xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện trong năm 2022 còn lúng túng, chưa kịp thời; việc chuẩn bị các tài liệu hồ sơ dự thảo nghị quyết chưa đảm bảo về nội dung và tiến độ trình kỳ họp của Hội đồng Nhân dân tỉnh; việc lồng ghép nguồn lực giữa các chương trình, chính sách chưa cụ thể, công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành đồng bộ các văn bản chỉ đạo điều hành, thông tư hướng dẫn cụ thể về quy trình, định mức và văn bản chỉ đạo để các địa phương có cơ sở thực hiện, cụ thể hóa, phù hợp với tình hình thực tế.
Để thuận lợi, chủ động trong việc triển khai lập kế hoạch giai đoạn 2021-2025 theo Điều 6, Nghị định số 27/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 26/01/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính thông báo vốn sự nghiệp của cả giai đoạn 2021-2025.
Để tạo điều kiện cho địa phương chủ động xây dựng kế hoạch hằng năm, ông Nguyễn Thái Hưng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc sớm thông báo kế hoạch vốn của năm sau (trong khoảng tháng 6-7 năm trước kế hoạch) để địa phương chủ động triển khai và hướng dẫn các cấp cơ sở lập kế hoạch sát với tình hình thực tế nguồn vốn được giao được kịp thời..../.