Nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực báo chí thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số

Để tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số, việc sử dụng công nghệ mới để cập nhật thông tin, xử lý dữ liệu lớn và khai thác những xu hướng truyền thông mới nhất là điều cần thiết đối với nhà báo.

Quang cảnh Hội nghị Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực phía Bắc. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày 22/11, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực phía Bắc. Đây là hoạt động thiết thực trong bối cảnh Hội Nhà báo Việt Nam đã và đang đầu tư cho việc nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho hội viên, đồng thời xây dựng hệ sinh thái số cho báo chí.

Chuyển đổi số trong trong hoạt động báo chí - yêu cầu cấp thiết

Căn cứ Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, việc thực hiện chuyển đổi số trong trong hoạt động báo chí và hoạt động Hội đang trở thành một yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động Hội và đáp ứng nhu cầu phát triển của báo chí Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Khi sự phát triển của công nghệ số ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành báo chí, việc Hội Nhà báo Việt Nam chủ động hỗ trợ hội viên trong việc áp dụng chuyển đổi số là chìa khóa để nâng cao năng lực hoạt động của các hội viên, nhà báo và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả trong kỷ nguyên số.

Tại Hội nghị Toàn quốc năm 2024 của Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sáng 18/3/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh trong năm 2023, giữa bối cảnh khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực và đất nước, có những thách thức chưa từng có tiền lệ, báo chí vẫn luôn là lực lượng xung kích tuyên truyền hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn gắn bó và đồng hành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các cấp Hội Nhà báo Việt Nam đã luôn sát cánh cùng các hội viên, các cơ quan báo chí hoạt động một cách chủ động, hiệu quả, linh hoạt, bám sát cơ sở, phản ánh kịp thời, trung thực, khách quan các hoạt động của nhân dân và của cả hệ thống chính trị, góp phần rất quan trọng vào việc định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế cùng hiểu biết về những thành tựu, những kết quả quan trọng của đất nước đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Bằng nhiều hình thức và hoạt động thiết thực, Hội và các cấp Hội thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao trong việc phát huy tốt vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nhà báo trong hành nghề và giáo dục nhà báo tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy định và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.

Theo ông Lê Quốc Minh, phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2024, các cấp Hội cần tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra với phương châm “Đoàn kết-Kỷ cương-Đổi mới-Sáng tạo-Phát triển."

Do vậy, để hiện thực hóa phương châm “Đoàn kết-Kỷ cương-Đổi mới-Sáng tạo-Phát triển” đối với nền báo chí hiện nay, chuyển đổi số như “cánh tay nối dài" giúp gắn kết và thiết lập mối quan hệ với công chúng, nhanh chóng truyền tải thông tin kịp thời và đến gần hơn với độc giả, khán thính giả. Sự tác động của quá trình chuyển đổi số đối với báo chí là tất yếu, là sự sống còn trong tiến trình phát triển chung của thời đại.

Nhà báo cần làm gì để tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số?

Thành công của chuyển đổi số báo chí nói chung và chuyển đổi số trong công tác hoạt động Hội tác động trực tiếp đến sự phát triển của cơ quan báo chí truyền thông, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực báo chí thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay. Yếu tố con người mà cụ thể là các hội viên, nhà báo được xem là quan trọng và then chốt.

Hội viên, nhà báo hiện nay không chỉ hoạt động tác nghiệp đơn lẻ như trước mà họ phải kết hợp chặt chẽ với nhau để đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong bối cảnh kỷ nguyên số. Sự phát triển này không chỉ ảnh hưởng đến cách thức họ đưa tin mà còn làm thay đổi cả vai trò của họ trong xã hội.

Phóng viên tác nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Để tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số, nhà báo cần phải thay đổi tư duy và phương pháp làm việc của mình. Việc sử dụng công nghệ mới để cập nhật thông tin, xử lý dữ liệu lớn và khai thác những xu hướng mới nhất trong lĩnh vực truyền thông là điều cần thiết. Họ cần phải nắm bắt nhanh chóng các công cụ kỹ thuật số, từ đó có thể cung cấp thông tin chính xác và kịp thời cho độc giả.

Ngoài ra, việc tương tác của hội viên, nhà báo qua các kênh truyền thông xã hội cũng rất quan trọng. Các kênh truyền thông xã hội không chỉ cung cấp thông tin mà còn là kênh kết nối, lắng nghe và phản hồi với độc giả. Điều này giúp họ hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của độc giả, từ đó điều chỉnh nội dung cho phù hợp với thực tế.

Giữa dòng chảy thông tin phong phú, việc giữ vững chất lượng thông tin là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của nhà báo. Họ phải luôn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, cung cấp thông tin chính xác, khách quan và trung thực. Việc đưa tin một cách có trách nhiệm không chỉ bảo vệ uy tín của nhà báo mà còn góp phần tạo dựng niềm tin nơi độc giả. Trong bối cảnh thông tin giả mạo dễ dàng bị tung ra và lan truyền, nhà báo cần phải trở thành những người kiểm chứng thông tin.

Bên cạnh đó, việc xây dựng được một cộng đồng độc giả trung thành là một trong những mục tiêu hàng đầu của nhà báo trong kỷ nguyên số. Không chỉ đơn giản là người đọc thông thường, độc giả trong thời đại số muốn cảm thấy rằng họ là một phần của một cái gì đó lớn lao hơn.

Nhà báo có thể tạo ra các chương trình, sự kiện hoặc các diễn đàn trực tuyến để khuyến khích độc giả tham gia, trao đổi thông tin và kiến thức. Qua đó, họ không chỉ thu hút được sự quan tâm từ độc giả mà còn có cơ hội để tiếp xúc và hiểu sâu hơn về nhu cầu, mong muốn của họ. Một cộng đồng tự duy trì sẽ tạo ra sức ảnh hưởng tích cực, giúp nhà báo phát triển các nội dung phù hợp hơn với sự quan tâm của người tiêu dùng thông tin.

Vai trò cầu nối của Hội Nhà báo Việt Nam

Sự phát triển của công nghệ thông tin giúp cho các cấp Hội trở thành ngôi nhà chung của các hội viên, nhà báo. Các cấp Hội đảm bảo chức năng hỗ trợ hoạt động và bảo vệ hội viên ngày càng hoàn thiện hơn. Các nền tảng ứng dụng trong công tác quản lý hội viên giúp các cấp Hội quản lý hội viên tốt hơn, phát huy được thế mạnh của các hội viên, động viên hội viên nhà báo tham gia các giải báo chí và sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao.

Với sự tương tác hai chiều này, tổ chức Hội các cấp và hội viên, nhà báo mới có thể cùng phát triển và kiến tạo nên một không gian thông tin đầy đủ, chính xác và phong phú. Điều này sẽ giúp tạo ra một cộng đồng thông tin tích cực, nơi mà các hội viên nhà báo đều có thể tham gia vào quá trình hoạt động báo chí.

Một trong những giải pháp quan trọng để tối ưu hóa vai trò của cả hội viên, nhà báo là việc tổ chức các chương trình đào tạo. Hội viên, nhà báo cần được trang bị kỹ năng sử dụng internet, mạng xã hội, cũng như khả năng phân biệt thông tin đúng sai, các khóa học về kỹ năng viết bài báo điện tử, quản lý thông tin trực tuyến...

Một hội nghị do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. (Nguồn: Vietnam+)

Việc nâng cao nghiệp vụ hoạt động trong không gian mạng không chỉ giúp họ hoạt động hiệu quả hơn mà còn góp phần tạo nên một cộng đồng thông tin văn minh, sẽ giúp cho không gian thông tin trở nên an toàn và đáng tin cậy hơn.

Các văn bản pháp luật và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận. Việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động báo chí đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hội Nhà báo Việt Nam cần căn cứ vào chiến lược này để thúc đẩy chuyển đổi số cho hội viên, nhằm đáp ứng tốt hơn những yêu cầu thực tiễn.

Hội Nhà báo Việt Nam nên trở thành cầu nối giữa các cơ quan báo chí và các đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên tiếp cận và áp dụng công nghệ mới trong công việc của họ.

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Hội Nhà báo Việt Nam là nâng cao năng lực cho hội viên. Việc hỗ trợ các nhà báo trong việc áp dụng chuyển đổi số sẽ không chỉ giúp họ cải thiện chất lượng tác phẩm mà còn mở rộng khả năng tiếp cận thông tin và độc giả. Chuyển đổi số còn giúp nhà báo cải thiện kỹ năng làm việc, từ việc thu thập thông tin tới việc sản xuất và phát hành nội dung. Sự hỗ trợ này cần được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả để đảm bảo rằng tất cả hội viên đều có cơ hội tham gia vào quá trình chuyển đổi này.

Việc hỗ trợ hội viên nhà báo trong quá trình chuyển đổi số không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Hội Nhà báo Việt Nam cần đối mặt với nhiều thách thức khác nhau. Đầu tiên, cần nâng cao nhận thức cho hội viên về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số. Nhiều nhà báo, đặc biệt là những người có tuổi, có thể chưa tiếp cận đầy đủ với công nghệ số. Họ chưa nhìn nhận rõ ràng tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ trong hoạt động báo chí.

Hội Nhà báo cần tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm để cung cấp thông tin và kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên. Đây không chỉ là hoạt động giáo dục mà còn là một hình thức khích lệ động viên các nhà báo tham gia tích cực vào sự đổi mới này. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức, Hội Nhà báo còn cần tập trung vào đào tạo kỹ năng số cho nhà báo. Việc sử dụng các công cụ và kỹ thuật số trong sáng tạo nội dung, sản xuất và phát hành thông tin đòi hỏi nhà báo phải có nền tảng kiến thức vững chắc.

Hội Nhà báo Việt Nam cần tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm trang bị cho hội viên các kỹ năng cần thiết. Các khóa học này có thể bao gồm kỹ năng viết bài, biên tập video, thiết kế đồ họa và sử dụng mạng xã hội. Để đồng bộ cho hoạt động chuyển đổi số thì việc cấp thiết là xây dựng một hệ sinh thái số cho báo chí. Đây là điều cần thiết để tạo điều kiện cho nhà báo thực hiện công việc của mình. Hệ sinh thái này bao gồm hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và các nền tảng số cần thiết.

Hội Nhà báo cần phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng hạ tầng kỹ thuật phù hợp, đồng thời phát triển các ứng dụng và nền tảng số phục vụ cho hoạt động báo chí. Một hệ sinh thái số hoàn chỉnh sẽ giúp cho nhà báo làm việc hiệu quả hơn và tương tác tốt hơn với độc giả.

Dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng thực trạng chuyển đổi số trong hoạt động báo chí vẫn còn nhiều hạn chế. Cần phân tích chi tiết về tình hình hiện tại để tìm ra những điểm cần cải thiện. Thực tế cho thấy nhiều cơ quan báo chí đã đầu tư mạnh mẽ vào ứng dụng công nghệ số. Họ đã xây dựng website, ứng dụng di động và sử dụng mạng xã hội để tương tác với độc giả. Những nỗ lực này đã giúp họ thu hút lượng độc giả lớn và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Việc áp dụng công nghệ không chỉ giúp cho hoạt động báo chí trở nên hiệu quả hơn mà còn đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của người đọc. Tuy nhiên, không phải tất cả các cơ quan báo chí đều có khả năng đầu tư như vậy.

Hội Nhà báo Việt Nam đã có những bước đi nhất định trong việc hỗ trợ hội viên áp dụng chuyển đổi số. Các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về chuyển đổi số đã được tổ chức. Bên cạnh đó, Hội cũng thực hiện nhiều hoạt động như cập nhật thông tin, tổ chức diễn đàn, hội thảo để trao đổi kinh nghiệm. Tuy nhiên, mức độ tham gia của hội viên vào các hoạt động này còn hạn chế. Điều này đòi hỏi Hội Nhà báo cần có những giải pháp cụ thể hơn để khuyến khích hội viên tham gia để góp phần thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí truyền thông./.