Năm đột phá chiến lược của Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Hậu Giang sẽ thực hiện 5 đột phát chiến lược gồm: Một trung tâm, Hai tuyến hành lang kinh tế động lực, Ba trung tâm đô thị, Bốn trụ cột kinh tế, Năm nhiệm vụ trọng tâm.

Hậu Giang tiếp nhận tàu tải trọng 20.000 tấn cập cảng VIMC. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm tiểu vùng Tây Nam sông Hậu.

Suốt 20 năm kể từ khi tách tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đã quan điểm xuất phát điểm thấp, tỉnh nhỏ thì phải nuôi khát vọng lớn; phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nêu cao trách nhiệm, luôn cố gắng nỗ lực vì sự phát triển chung của tỉnh.

Từ đó, đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp đưa Hậu Giang vượt qua bao khó khăn để vươn lên, đạt những thành quả tích cực ở nhiều lĩnh vực.

Để phát huy hết thế mạnh của Hậu Giang, ngày 8/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1588/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi ranh giới lập quy hoạch tỉnh Hậu Giang bao gồm toàn bộ tỉnh Hậu Giang. Phía Bắc giáp thành phố Cần Thơ; phía Nam giáp tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu; phía Đông giáp sông Hậu, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Sóc Trăng; phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang.

Mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại.

Các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Hậu Giang khai thác tiềm năng du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 8,7%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 150 triệu đồng/năm.

Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 14%; khu vực công nghiệp-xây dựng khoảng 40%; khu vực dịch vụ khoảng 38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8%.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Năm đột phá chiến lược

Theo quy hoạch được duyệt, Hậu Giang sẽ thực hiện 5 đột phát chiến lược gồm:

Một trung tâm (Một Tâm): Phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị của tỉnh.

Hai tuyến hành lang kinh tế động lực (Hai Tuyến): Phát triển 2 hành lang kinh tế động lực là cao tốc Cần Thơ-Cà Mau kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu. Hình thành hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Ba trung tâm đô thị (Ba Thành): Phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị của tỉnh, gồm: Thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ; trong đó, thành phố Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Bốn trụ cột kinh tế (Bốn Trụ): Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.

Năm nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực

Về phương hướng phát triển các ngành trọng điểm, Hậu Giang sẽ phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của tỉnh, hình thành hệ thống các khu, cụm công nghiệp tập trung, hiện đại, quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư các ngành: Công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp năng lượng, công nghiệp hỗ trợ; dược, mỹ phẩm; chế biến nông sản; logistics.

Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực: cây ăn trái-lúa-thủy sản. Hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái, chăn nuôi tập trung, công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, miệt vườn, sông nước.

Phát triển thủy sản với sản phẩm chủ lực là cá tra, cá thát lát, lươn; gắn chế biến với mở rộng thị trường; khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi.

Phát triển lâm nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế rừng sản xuất kết hợp với phát triển du lịch.

Bốc xếp tấn hàng thứ 1 triệu tấn tại Cảng Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Hậu Giang mở rộng, nâng cấp các đô thị, phát triển đô thị khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định gắn với công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, theo tiêu chuẩn đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hậu Giang phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ, du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, hiện đại, có giá trị gia tăng lớn; trở thành tỉnh có ngành thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long,

Cụ thể, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực khác; đa dạng hóa loại hình du lịch và sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, tác động mạnh mẽ đến hỗ trợ sản xuất và lưu thông hàng hóa; đẩy mạnh thương mại điện tử; mở rộng thị trường trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, logistics hiện đại để Hậu Giang trở thành trung tâm kết nối các hành lang kinh tế động lực và trung chuyển hàng hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong những năm gần đây, Hậu Giang đang nổi lên là "điểm sáng" trong bức tranh kinh tế của cả nước, luôn tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung.

Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 của tỉnh đạt 3,28% (cao hơn cả nước 2,56%); năm 2022 đạt 13,94%, mức cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh, đứng thứ tư cả nước); 9 tháng năm 2023, đạt 13,30%, vươn lên đứng đầu cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, bình quân trên 15%/năm.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, có nhiều cơ hội phát triển mới, nhiều nhà đầu tư có uy tín đã đến Hậu Giang tìm cơ hội đầu tư.

Cơ sở hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhiều công trình, dự án được đẩy nhanh tiến độ; các tuyến đường cao tốc đi qua tỉnh được triển khai tích cực, bài bản, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc./.