Thủ tướng: Cà Mau phải sớm làm đường băng để máy bay lớn hạ cánh
Thủ tướng nhấn mạnh Cà Mau cần tập trung thực hiện đột phá về hạ tầng giao thông, phải làm bằng được đường băng để máy bay lớn có thể hạ xuống sân bay Cà Mau sớm nhất và mở rộng nhà ga khi đông khách.
Sáng 9/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ công bố Quy hoạch và Xúc tiến Đầu tư tỉnh.
Trong chương trình, Cà Mau giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, dự án đầu tư vào tỉnh; công bố Quyết định phê duyệt và báo cáo các nội dung cơ bản của Quy hoạch tỉnh; trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trao chủ trương tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát dự án trên địa bàn...
Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh Cà Mau có vị trí địa lý rất đặc biệt mà không có địa phương nào có được, là vùng đất điểm đầu cực Nam của Tổ quốc, nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á; thuộc hành lang phát triển kinh tế phía Nam của Chương trình hợp tác phát triển Tiểu vùng Mekong mở rộng, có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á.
Cà Mau là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254km, có ngư trường rộng lớn khoảng 80.000km2, nguồn lợi thủy hải sản phong phú, có khu vực nuôi trồng thủy sản diện tích hơn 300.000ha, sản lượng tôm lớn nhất nước, kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, chủ yếu là xuất khẩu thủy sản.
Cà Mau có điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm chế biến thủy sản, thực phẩm của vùng và cả nước. Có nhiều nắng và gió, Cà Mau có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển năng lượng tái tạo, cảng biển tổng hợp.
Bên cạnh đó, tỉnh hội tụ nhiều giá trị, tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng…
Thời gian qua, Cà Mau đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2023 ước đạt hơn 45.400 tỷ đồng, tăng 7,83%, vượt kế hoạch đề ra; GRDP bình quân đầu người ước đạt gần 70 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 24.000 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải cho rằng Cà Mau có vị trí địa lý, địa chính trị thuận lợi nhưng vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn nhất trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; hạ tầng giao thông kết nối yếu kém; địa hình chia cắt bởi sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; địa chất yếu; không có vật liệu xây dựng tại chỗ, dẫn đến suất đầu tư công trình, nhất là hạ tầng giao thông cao hơn nhiều so với các tỉnh lân cận...
Đây là những "điểm nghẽn" ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Cà Mau trong thời gian qua.
Bí thư Nguyễn Tiến Hải khẳng định với những khó khăn nội tại, Cà Mau luôn nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng để tăng cường thu hút đầu tư, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu thực hiện.
Tinh tạo chuyển biến tích cực không chỉ ở những chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra mà chuyển biến cả ở tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cả hệ thống chính trị, bước đầu được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg, ngày 16/11/2023. Quy hoạch được phê duyệt là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, hội nhập và đối ngoại trên địa bàn tỉnh; là căn cứ quan trọng để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư, kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh.
Thông qua hội nghị này, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau mong muốn sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm, lựa chọn,quyết định đầu tư tại tỉnh, vì lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp, đồng thời góp phần vào sự phát triển của Cà Mau nói riêng, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước nói chung. Tỉnh cam kết sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tập trung triển khai đột phá về hạ tầng giao thông, sân bay
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh, đánh giá cao tỉnh Cà Mau đã hoàn thành và công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời tổ chức xúc tiến đầu tư.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, Quy hoạch phải khám phá, tìm hiểu được những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới; làm rõ những khó khăn, thách thức để hóa giải, từ đó phát triển nhanh và bền vững.
Là một tỉnh của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nên quy hoạch tỉnh Cà Mau cần kết nối với quy hoạch vùng; từ đó cần thực hiện quy hoạch tốt, hiệu quả, có giám sát, kiểm tra, đôn đốc; bên cạnh đó, có những vấn đề phải điều chỉnh trước những yếu tố tác động nhanh, không dự báo trước được.
Điểm lại những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Cà Mau phải vượt qua những khó khăn, thách thức, có niềm tin, bản lĩnh, tinh thần tự lực, phát huy các nguồn lực để cùng cả đất nước phát triển.
Theo Thủ tướng, Cà Mau cần khai thác thương hiệu "Đất mũi," cực Nam của Tổ quốc, từ đó phát triển du lịch; khai thác tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển năng lượng tái tạo, cảng biển tổng hợp.
Cà Mau tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật để phát huy nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm nuôi trồng, chế biến thủy sản, thực phẩm; phát triển công nghiệp hóa chất, phân bón…
Thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ Cà Mau cần khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh, song cần có trọng tâm, trọng điểm; trong đó tập trung thực hiện đột phá về hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không, đường biển.
Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh phải làm bằng được đường băng để máy bay lớn có thể hạ xuống sân bay Cà Mau sớm nhất, khi đông khách hơn sẽ mở rộng nhà ga. Đồng thời, Thủ tướng nêu rõ trong nhiệm kỳ này phải thông tuyến đường bộ cao tốc từ Bắc vào Nam tới Cà Mau và sẽ tiếp tục triển khai xây dựng cao tốc tới tận mũi Cà Mau, thay vì thành phố Cà Mau như quy hoạch hiện nay (dự kiến khoảng 70km nếu đi theo tuyến ngắn nhất, thẳng nhất).
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đầu tư hơn nữa cho giáo dục, đào tạo; chú trọng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp; huy động đa dạng các nguồn lực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có chất lượng…
Với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư tại Cà Mau, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.” Các doanh nghiệp được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục, đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào hoạt động với tinh thần “đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả"./.