Mỹ: Thâm hụt thương mại và dịch vụ trong tháng 3 là hơn 64 tỷ USD

Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong tháng 3, các doanh nghiệp Mỹ đã tăng cường nhập khẩu hàng tiêu dùng, song lại giảm các mặt hàng khác như vật tư công nghiệp và vật liệu sản xuất.

Khách hàng chọn mua đồ tại một cửa hàng ở New York (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 4/5, Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt thương mại và dịch vụ của nước này trong tháng 3 là hơn 64 tỷ USD, giảm 9,1% từ mức hơn 70 tỷ USD trong tháng 2, do xuất khẩu của Mỹ tăng, nhất là các mặt hàng về năng lượng và xe hơi.

Trong tháng 3, các doanh nghiệp Mỹ đã tăng cường nhập khẩu hàng tiêu dùng, song lại giảm các mặt hàng khác như vật tư công nghiệp và vật liệu sản xuất. Cụ thể, nhập khẩu hàng hóa của Mỹ trong tháng 3 là 320 tỷ USD, giảm 0,3% so với tháng trước đó.

Tính chung cả quý 1, Mỹ nhập khẩu 791 tỷ USD hàng hóa, chỉ tăng 0,5% so với quý 4/2022 và thấp hơn nhiều so với các quý khác trong cả năm 2022.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ trong tháng 3/2023 là 256 tỷ USD, tăng 2,1% so với tháng trước đó. Đối với Trung Quốc, Mỹ cũng đã xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn trong khi giảm nhập khẩu từ thị trường này.

Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc cũng ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Một số ý kiến cho rằng tình hình cán cân thương mại, cùng với các dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt của thị trường lao động, đã tác động tới tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ.

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ ngày 27/4 công bố các số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế của nước này đã “mất đà” trong quý 1/2023.

Theo bộ trên, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý 1 năm 2023 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2022, và giảm 2,6% so với quý 4 năm 2022.

[Thị trường lao động của Mỹ tiếp tục có dấu hiệu nới lỏng]

Bộ trên nêu rõ: “So với quý 4 năm 2022, sự giảm tốc của GDP thực trong quý 1 năm 2023 chủ yếu phản ánh sự suy giảm đầu tư tư nhân và sự chậm lại của đầu tư cố định.” Thực tế này một phần được bù lại nhờ sự gia tăng chi tiêu tiêu dùng và xuất khẩu.

Thông báo của Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ số liệu tăng trưởng GDP “phản ánh mức tăng trong chi tiêu tiêu dùng, xuất khẩu, chi tiêu của chính phủ liên bang,” bên cạnh một số dạng đầu tư.

Thực tế, tiêu dùng - vốn là động lực cho nền kinh tế lớn nhất thế giới - bắt đầu mạnh lên từ tháng 1/2023, nhưng giới chuyên gia cảnh báo sự hỗn loạn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng cũng như lãi suất tăng có nguy cơ phủ bóng lên triển vọng tiêu dùng.

Hoạt động kinh tế đã giảm bớt khi Ngân hàng Dự trữ liên bang (Fed) nhanh chóng tăng lãi suất cho vay nhằm kiềm chế lạm phát, trong khi hậu quả đầy đủ của những rối loạn trong lĩnh vực ngân hàng gần đây vẫn chưa thể hiện rõ.

Các chuyên gia Ian Shepherdson và Kieran Clancy của Hãng nghiên cứu tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics dự báo sự mất đà này “có thể kéo dài trong quý 2.”

Về phần mình, chuyên gia Ryan Sweet của công ty Oxford Economics dự báo những rối loạn trong hệ thống ngân hàng gần đây và việc siết chặt các tiêu chuẩn cho vay sẽ khiến tốc độ tăng trưởng suy giảm nghiêm trọng hơn dự báo trong quý 2.

Ông nói: “Các chỉ dẫn về chu kỳ kinh tế cho thấy nền kinh tế Mỹ đã mất đà trong tháng Hai và gần đạt tới điểm chuyển sang mức âm.”./.

Kiều Trang (TTXVN/Vietnam+)