Mỹ: Đối tượng nhân bản cừu trái phép đối mặt thách thức pháp lý
Văn phòng Công tố bang Montana cho biết Arthur “Jack” Schubarth, 80 tuổi, chủ sở hữu trang trại Sun River Enterprises LLC đã nhận 2 tội danh gồm âm mưu vi phạm Đạo luật Lacey, vi phạm Đạo luật Lacey.
Ngày 12/3, một người đàn ông ở bang Montana (Mỹ) đã thừa nhận 2 tội danh về vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã, sau khi bị cáo buộc sử dụng vật liệu di truyền từ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng để nhân bản giống cừu lai khổng lồ và bán cho các cơ sở cung cấp dịch vụ săn bắn chiến phẩm.
Văn phòng Công tố bang Montana cho biết Arthur “Jack” Schubarth, 80 tuổi, chủ sở hữu trang trại Sun River Enterprises LLC (còn gọi là trang trại Schubarth), đã nhận 2 tội danh gồm âm mưu vi phạm Đạo luật Lacey và vi phạm Đạo luật Lacey.
Đạo luật này được ban hành tại Mỹ vào năm 1900 nhằm cấm vận chuyển động vật bị bắt bất hợp pháp hoặc các sản phẩm từ động vật hoang dã qua các tuyến đường giữa các bang hay qua biên giới quốc tế.
Theo tài liệu của tòa án, ông Schubarth bị cáo buộc âm mưu với ít nhất 5 đối tượng khác từ năm 2013 đến năm 2021 để tạo ra một giống cừu lai có kích thước lớn cung cấp cho các cơ sở săn bắn nhằm kiếm lợi nhuận cao hơn.
Để phục vụ mục đích nhân bản cừu, ông Schubarth đã vận chuyển các bộ phận của con cừu thuộc giống cừu Marco Polo lớn nhất thế giới từ Kyrgyzstan vào Mỹ mà không khai báo với cơ quan chức năng.
Sau đó, người đàn ông này đã gửi vật liệu di truyền từ các bộ phận của cừu Marco Polo đến một phòng thí nghiệm để tạo phôi nhân bản, rồi cấy những phôi đó vào cừu cái trong trang trại của mình để tạo ra cừu đực Marco Polo thuần chủng về mặt di truyền mà ông đặt tên là “Vua núi Montana” (Montana Mountain King - MMK). Những con cừu lai này được bán cho các cơ sở phục vụ thú vui săn bắn chiến phẩm, chủ yếu ở bang Texas.
Marco Polo là giống cừu lớn ở vùng núi Bắc Á và Trung Á, khi trưởng thành có thể nặng tới 135kg và có sừng dài hơn 1,5m. Hiện nay, cừu Marco Polo nằm trong danh sách bảo vệ theo Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Tại Mỹ, giống cừu này cũng được bảo vệ theo Đạo luật Các loài nguy cấp.
Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Todd Kim tuyên bố: “Với kế hoạch này, ông Schubarth đã vi phạm luật pháp quốc tế và Đạo luật Lacey, vốn bảo vệ quần thể động vật hoang dã bản địa.”
Đối với mỗi tội danh, ông Schubarth phải đối mặt với mức án tối đa 5 năm tù giam, phạt tiền lên tới 250.000 USD và 3 năm quản chế. Người đàn ông này dự kiến sẽ bị kết án tại phiên tòa vào ngày 11/7 tới tại Tòa sơ thẩm hạt Montana./.