Cơ quan Liên hợp quốc quan ngại về số trẻ em thiệt mạng ở Dải Gaza
Theo Liên hợp quốc, số trẻ em thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Dải Gaza đã cao hơn số trẻ em thiệt mạng trong 4 năm xung đột trên khắp thế giới.
Người đứng đầu Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), ông Philippe Lazzarini ngày 12/3 kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza trong bối cảnh số trẻ em thiệt mạng trong cuộc xung đột ở dải đất ven biển Địa Trung Hải này đã cao hơn số trẻ em thiệt mạng trong 4 năm xung đột trên khắp thế giới.
Thông báo trên mạng xã hội X, ông Lazzarini đã đề cập đến số liệu của Liên hợp quốc cho thấy 12.193 trẻ em thiệt mạng trong các cuộc xung đột trên toàn thế giới từ năm 2019 đến năm 2022, so với 12.300 trẻ em thiệt mạng ở Gaza từ cuối tháng 10/2023 đến cuối tháng 2/2024 theo dữ liệu của cơ quan y tế ở Dải Gaza.
Bày tỏ sự kinh hoàng trước thực tế này, người đứng đầu UNRWA cho rằng cuộc xung đột ở Gaza đã hủy hoại tuổi thơ và tương lai của các em, đồng thời kêu gọi ngừng bắn để đảm bảo tính mạng của trẻ em.
Trong khi đó, quan ngại trước tình hình ở Gaza, các nước tiếp tục kêu gọi Israel bảo đảm để hàng viện trợ nhân đạo được phép đến với người dân ở dải đất này trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 12/3 cho rằng sẽ không thể cung cấp đủ số lượng viện trợ nếu xung đột ở Gaza vẫn tiếp diễn, cản trở số lượng xe tải đi qua cửa khẩu Rafah.
Tổng thống Erdogan khẳng định Ankara sẽ tiếp tục tăng cường ủng hộ trong thời điểm diễn ra tháng lễ Ramadan bắt đầu trong tuần này.
Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi được hơn 40.000 tấn hàng viện trợ đến Gaza thông qua cửa khẩu biên giới giữa Ai Cập và Dải Gaza.
Trong bức thư gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden đề ngày 11/2, một nhóm 8 thượng nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ đã yêu cầu Tổng thống tuân thủ Đạo luật Viện trợ Nước ngoài, kêu gọi Washington ngừng bán và chuyển giao vũ khí cho Israel nếu chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tiếp tục ngăn chặn hỗ trợ nhân đạo của Mỹ tại Gaza - một trong những nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Đạo luật Viện trợ Nước ngoài năm 1961 và Đạo luật Kiểm soát xuất khẩu vũ khí ghi rõ "không hỗ trợ" bất kỳ quốc gia nào nếu quốc gia đó trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế việc vận chuyển hoặc cung cấp hỗ trợ nhân đạo của Mỹ.
Trước đó, nhiều quốc gia trong đó có Nga và Australia đã kêu gọi ngừng bắn, hối thúc Israel thay đổi cách tiếp cận và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza./.